1. Đặc điểm của châu chấu
Châu chấu thuộc nhóm côn trùng ăn lá, di chuyển linh hoạt. Môi trường sống lý tưởng nhất của châu chấu là trên những cánh đồng lúa rộng lớn.
Theo ước tính, hiện có khoảng 2.400 chi và khoảng 11.000 loài, phân bố rải rác khắp nơi trên thế giới, tập trung chủ yếu tại khu vực nhiệt đới. Ở nước ta, dịch châu chấu hay xảy ra ở khu vực phía Bắc như Điện Biên, Sơn La,…
Mỗi con cái có thể đẻ 3 ổ, mỗi ổ có 10-100 trứng. Châu chấu thường thích đẻ trứng ở đất ẩm, xốp, có nhiều cỏ dại, nhiều ánh nắng, thích đẻ trên đất cát pha. Thời gian vòng đời trung bình của châu chấu khoảng 2 - 6 tháng, thời gian thay đổi phụ thuộc vào thời tiết và điều kiện sinh thái.
2. Mức độ nguy hại của dịch châu chấu
Châu chấu phàm ăn, đẻ nhiều lứa, mỗi lứa đẻ rất nhiều trứng, nên khả năng sinh sôi vô cùng lớn, gây hại cây trồng và mùa màng rất nghiêm trọng. Châu chấu di chuyển thành bầy, liên tục ăn, giao phối và đẻ trứng. Vì thế loài côn trùng này gây thiệt hại lớn cho bất cứ cánh đồng, khu vườn nào mà chúng đi qua.
Châu chấu non ngay sau khi nở đã bắt đầu phá hoại. Chúng ăn thành từng mảng trên lá, cắn đứt bông lúa, gây ra lép trắng.
Châu chấu trưởng thành có thể tiêu thụ lượng thức ăn tương đương trọng lượng cơ thể của nó. Một đàn châu chấu cỡ nhỏ (khoảng 40 triệu con) sẽ tiêu thụ lượng thức ăn tương đương dành cho 35.000 người trong một ngày.
3. Các biện pháp phòng ngừa
- Thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện dấu hiệu gây hại của châu chấu và có biện pháp xử lý nhanh chóng.
- Châu chấu có xu hướng bay vào khu vực có ánh sáng vào ban đêm, do vậy những vùng có mật độ cao có thể đốt lửa vào ban đêm để giảm mật độ châu chấu trên đồng ruộng.
- Ngâm nước ruộng lúa trước khi gieo trồng để giết trứng, nhộng trước khi chúng phát triển và gây hại.
- Làm sạch cỏ dại trên đồng ruộng vì châu chấu thích đẻ trứng ở nơi rậm rạp, nhiều cỏ.
- Tạo điều kiện sinh sống cho các loài thiên địch ăn châu chấu: ong bắp cày, chim, ếch nhái, nhện,...
4. Sử dụng đạm hợp lý hạn chế sự phát triển của dịch châu chấu như thế nào?
Đạm là chất dinh dưỡng đa lượng cần thiết cho chức năng của thực vật: cấu tạo protein, thành phần của diệp lục, thúc đẩy sự phát triển và năng suất cây trồng.
Một nghiên cứu ở trường đại học Mỹ đã chứng minh rằng những con châu chấu cái bị giảm tỷ lệ sống sót và khả năng sinh sản sau khi ăn cây trồng có hàm lượng đạm đầy đủ trong thời gian dài. Đây là một nghiên cứu mang lại ý nghĩa hết sức to lớn đối với những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch châu chấu.
Nghiên cứu diễn ra ở loài châu chấu cái Oedaeleus senegalensis trên hạt kê (một cây thuộc họ ngũ cốc). Mỗi lô thí nghiệm gồm 25 con châu chấu cái được cho ăn một trong 3 mẫu cây trồng sau: cây không được bón phân đạm, cây được bón phân đạm giảm một nửa so với nhu cầu, cây được bón phân đạm đầy đủ.
Kết quả thí nghiệm chỉ ra rằng: những con châu chấu cái thích ăn loại cây trồng có hàm lượng đạm thấp hơn so với cây trồng có đủ đạm. Ở mẫu cây chỉ được bón một nửa lượng đạm so với nhu cầu, thì lá có độ cứng cao hơn so với cây được bón đủ đạm. Như vậy, độ mềm, cứng của lá không ảnh hưởng đến độ ưa thích của châu chấu.
Số lượng trứng được sinh sản là như nhau ở tất cả các mẫu thí nghiệm. Tuy nhiên, ở mẫu cây trồng được bón phân đầy đủ, trứng có tỷ lệ nở thấp hơn và kích thước trứng bé hơn, nhẹ hơn so với mẫu cây trồng không bón phân. Kích thước trứng lớn hơn sẽ nở ra châu chấu khỏe mạnh hơn, sinh sản tốt hơn. Vậy, những con châu chấu ăn lá của cây được cung cấp đủ đạm sẽ bị giảm năng suất sinh sản.
Kết thúc thí nghiệm thì nhiều con châu chấu cái sống sót hơn ở mẫu cây không được bón phân đạm so với cây được bón phân đầy đủ.
Vậy cung cấp đạm một cách đầy đủ cho cây trồng không những tăng năng suất mà còn góp phần giảm khả năng sống sót, giảm khả năng sinh sản ở châu chấu.
Dịch thuật và tổng hợp bởi Công ty TNHH Funo