SỬ DỤNG LOẠI ĐẠM NÀO CHO DÂU TÂY THỦY CANH ĐẠT NĂNG SUẤT TỐT?

Biên tập bởi Hoàng MiĐăng 3 năm trước2,4190

Dâu tây là một trong những loài cây ăn quả có giá trị về mặt dinh dưỡng và kinh tế lớn. Ở nước ta, dâu tây được trồng nhiều nhất ở khu vực Đà Lạt (Lâm Đồng). Đây là loài cây đặc trưng, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân Đà Lạt. Vì vậy, vấn đề gia tăng năng suất và nâng cao chất lượng loại quả này ngày càng được quan tâm. Cùng Funo.vn tìm hiểu bí quyết bón đạm giúp canh tác dâu tây thủy canh hiệu quả.

Dâu tây thủy canh được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết khác, chỉ có tỷ lệ đạm được thay đổi phù hợp với mục đích nghiên cứu. Để đánh giá tỷ lệ đạm tối ưu cho dâu tây trong môi trường thủy canh, các nhà nghiên cứu đã khảo sát các tỷ lệ amoni/nitrat (NH4+/NO3-) như sau: 0/100 (cây bón hoàn toàn bằng nitrat); 25/75; 50/50 và 75/25 (nồng độ NH4+ cao).

Dâu tây thủy canh bón amoni/nitrat (25/75) giúp tăng khả năng sinh trưởng

Sự sinh trưởng và phát triển của cây được đánh giá qua các tiêu chí: khả năng tích lũy sinh khối (trọng lượng tươi và khô của lá), số lượng lá và diện tích của lá.

Tỷ lệ đạm amoni/nitrat (25/75) giúp dâu tây tích lũy sinh khối cao nhất với trọng lượng tươi và khô của lá đều đạt mức cao nhất. Trọng lượng lá tươi và khô thấp đáng kể khi cây được bón nitrat (NO3-) hoặc amoni (NH4+) ở nồng độ cao: 100% nitrat hoặc amoni/nitrat (75/25). Bất kỳ dạng đạm nào ở nồng độ cao đều gây mất cân bằng dinh dưỡng và ức chế sự phát triển của dâu tây.

Số lượng lá trên mỗi cây không bị ảnh hưởng nhiều bởi tỷ lệ amoni/nitrat. Nhưng diện tích lá tăng lên đáng kể khi tăng tỷ lệ NH4+ từ 0 đến 50%.

Sự phát triển của cây cả về diện tích và trọng lượng lá đều giảm khi tỷ lệ NH4+ cao hơn tỷ lệ NO3-. Dâu tây thủy canh được trồng tỷ lệ amoni/nitrat (75/25) làm giảm 16,5% trọng lượng lá tươi; giảm 26% trọng lượng lá khô và giảm 22% diện tích lá so với cây trồng ở tỷ lệ (25/75).

Vậy tỷ lệ đạm amoni/nitrat (25/75) là tối ưu cho sự sinh trưởng và phát triển của dâu tây thủy canh.

SỬ DỤNG LOẠI ĐẠM NÀO CHO DÂU TÂY THỦY CANH ĐẠT NĂNG SUẤT TỐT?

Dâu tây thủy canh bón amoni/nitrat (25/75) làm tăng khả năng quang hợp

Tốc độ quang hợp của cây trồng tỷ lệ thuận với năng suất đạt được của vụ mùa đó. Tỷ lệ quang hợp đạt mức cao nhất khi cây dâu tây được bón amoni/nitrat (25/75) và thấp nhất ở tỷ lệ (75/25).

Tỷ lệ bón đạm 25/75 cũng làm tăng diện tích lá - một yếu tố quan trọng để tăng khả năng quang hợp. Trong khi, tỷ lệ đạm amoni/nitrat không làm ảnh hưởng của đến chỉ số diệp lục của lá.

Dâu tây thủy canh bón amoni/nitrat (25/75) giúp nâng cao năng suất cây trồng

Mặc dù cả số lượng quả và số lượng hoa đều không bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ amoni/nitrat trong dung dịch. Nhưng kích thước quả (chiều dài và trọng lượng tươi của quả) trên mỗi cây đã tăng lên đáng kể ở tỷ lệ amoni/nitrat (25/75).

Năng suất tăng 84% khi cây trồng theo tỷ lệ amoni/nitrat (25/75) so với cây trồng được bón ở tỷ lệ amoni/nitrat (75/25). Ngoài ra, sản lượng dâu tây giảm 37,5% khi dâu tây được bón hoàn toàn bằng nitrat.

Vậy tỷ lệ đạm amoni/nitrat (25/75) là tối ưu cho năng suất dâu tây thủy canh.

SỬ DỤNG LOẠI ĐẠM NÀO CHO DÂU TÂY THỦY CANH ĐẠT NĂNG SUẤT TỐT?

Dâu tây thủy canh bón amoni/nitrat (25/75) ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian bảo quản sau thu hoạch

Trọng lượng tươi và khô của dâu tây thấp hơn đáng kể khi bón NH4+ ở tỷ lệ cao (75%). Kích thước quả về trọng lượng và chiều dài bị ảnh hưởng đáng kể bởi tỷ lệ amoni/nitrat. Quả dâu tây to nhất thu được khi cây trồng được bón tỷ lệ amoni/nitrat (25/75).

Tỷ lệ NH4+/NO3- không ảnh hưởng đến độ chua của trái cây. Tuy nhiên tổng chất rắn hòa tan (đường, axit hữu cơ, đạm, chất béo và khoáng chất của trái cây) đạt mức cao nhất được quan sát thấy ở tỷ lệ 0/100 và 25/75 của NH4+/NO3- trong dung dịch. Nhưng tổng chất rắn hòa tan bị giảm do nồng độ NH4+ trong dung dịch ngày càng tăng.

Tuổi thọ trung bình sau thu hoạch của dâu tây là 7 ngày khi cây được bón hoàn toàn bằng nitrat. Tuy nhiên, tuổi thọ sau thu hoạch giảm xuống còn 4 ngày khi cây bón nồng độ amoni cao (75%). Đồng thời, Tỷ lệ NH4+ trong dung dịch tăng lên làm giảm nồng độ canxi (Ca) trong quả. Có một mối tương quan chặt chẽ giữa nồng độ canxi trong quả và thời gian bảo quản sau thu hoạch của dâu tây. Do đó nồng độ canxi tăng lên nâng cao tuổi thọ sau thu hoạch của quả.

 

Có thể thấy rằng, đạm nitrat (NO3-) tối ưu hơn cho sự phát triển và năng suất của dâu tây trong điều kiện thủy canh. Tuy nhiên, việc loại trừ hoàn toàn amoni (NH4+) khỏi dung dịch dinh dưỡng cũng làm giảm sự phát triển của cây dâu tây. Vì vậy, sự kết hợp của hai dạng đạm theo một tỷ lệ thích hợp amoni/nitrat (25/75) là tối ưu nhất cho sự phát triển, năng suất và chất lượng của dâu tây thủy canh.

Dịch thuật và tổng hợp bởi Công ty TNHH Funo