VAI TRÒ CỦA SALICYLIC ACID (SA) ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG

Biên tập bởi Phương UyênĐăng 2 năm trước4,6300

Salicylic acid (SA) có trong mọi loại thực vật và cũng được xếp vào nhóm chất điều hòa sinh trưởng thực vật bên cạnh auxin, cytokinin, gibberellin,… SA tham gia vào nhiều quá trình trao đổi chất của cây trồng.

940px-Salicylic-acid-skeletal.svg.png

 

Salicylic acid tác động lên sự sinh trưởng và phát triển của thực vật

SA tham gia điều hòa các quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng như: quang hợp, hấp thu dinh dưỡng, tạo rễ, ra hoa,…

Các nghiên cứu trên hoa chậu cho thấy, xử lý SA đúng liều giúp tăng sinh khối, kích thước cây, số lượng hoa,… Ở dưa leo, xử lý SA liều lượng xấp xỉ 7mg/L làm tăng khả năng nảy mầm của hạt, chiều dài rễ và thân ở cây con. Trên các cây trồng khác, SA có tác dụng tích cực lên bộ rễ, giúp tăng năng suất mà không ảnh hưởng đến chất lượng nông sản.

Salicylic acid tác động lên sự quang hợp

Nghiên cứu xử lý SA lên cây cải dầu cho thấy nó giúp tăng hàm lượng diệp lục, qua đó hiệu suất quang hợp cao hơn. Ở dưa leo cũng cho kết quả tương tư. SA cũng kích thích tăng cường độ quang hợp ở đậu nành, lúa mạch và bắp ngô.

Salicylic acid tác động lên quá trình biến dưỡng nitrate (đạm)

SA kích hoạt hấp thu nitrogen (đạm) và hoạt động của enzyme khử nitrate (NR) ở bắp ngô, giúp tăng hàm lượng đạm trong hạt bắp. Điều tương tự cũng được tìm thấy trên lúa mì và đậu nành. Ở dưa leo, SA làm tăng sự đồng hóa đạm nitrate giúp cây phát triển nhanh, khỏe mạnh.

Salicylic acid tác động lên sự ra hoa

Nghiên cứu đầu tiên cho thấy SA cảm ứng ra hoa là ở trên cây thuốc lá. Các nghiên cứu sau này trên nhiều loại cây khác nhau cũng cho kết quả tương tự. Người ta còn phát hiện SA có tính cộng hưởng với gibberellin (GA) trong việc kích thích ra hoa.

Salicylic acid tác động lên cơ chế phản vệ của cây trồng

Các nhà khoa học nhận thấy, ở các cây bệnh, SA gây ra phản ứng bảo vệ bằng cách tăng nồng độ của nhiều loại gốc tự do cục bộ với sự tham gia của oxalate oxidase cũng như làm lignin hóa vùng xâm nhập của mầm bệnh thông qua peroxidase. Điều này dẫn đến cái chết của mầm bệnh và cô lập các mô bị xâm nhiễm.

Hoạt động của SA trong việc chống lại mầm bệnh xâm nhiễm cần sự phối hợp của Calcium.

Salicylic acid tác động lên khả năng chống chịu các stress phi sinh học

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy SA đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cây trồng trước các stress phi sinh học như: nhiệt độ cao, lạnh giá, bức xạ UV, hạn mặn,… Khi sử dụng ở nồng độ thích hợp, SA làm cải thiện khả năng chống oxy hóa của thực vật và giúp tổng hợp các hợp chất bảo vệ như polyamine.

salicylic.jpg

(Nguồn: Tổng hợp)