1. Xâm nhập mặn là gì? Tình hình xâm nhập mặn ở nước ta
Xâm nhập mặn là hiện tượng nước mặn từ biển với nồng độ mặn từ 4‰ trở lên, theo các sông, kênh, rạch xâm nhập sâu vào nội đồng gây mặn trên diện rộng. Xâm nhập mặn xảy ra khi triều cường, nước biển dâng hoặc do cạn kiệt nguồn nước ngọt trong mùa khô.
Nguyên nhân dẫn đến xâm nhập mặn xuất phát từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm để phục vụ cho đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội cũng gây ra sự cạn kiệt nguồn nước. Hoạt động thuỷ lợi và sử dụng phân bón hóa học quá mức.
Xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ranh giới độ mặn 4‰ đã làm 42,5% diện tích tự nhiên của toàn vùng bị ảnh hưởng, tương đương 1.688.600ha.
2. Ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến nông nghiệp
Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng khiến đất bị nhiễm mặn (mặn hóa) không những làm giảm năng suất cây trồng, gây thoái hóa đất, giảm chất lượng nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Nước mặn khiến cây suy yếu, giảm khả năng phát triển của rễ cây, giảm khả năng thẩm thấu và thoát nước trong đất, gây thiếu khí cho sự phát triển của bộ rễ. Từ đó cây trồng dễ bị các loại bệnh gây hại tấn công.
Lúa giảm năng suất 50% nếu nước tưới có độ mặn khoảng 3‰, bắp giảm năng suất 50% nếu nước tưới có độ mặn khoảng 2.5‰.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, hơn 80 nghìn ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; gần 60 nghìn ha lúa vụ mùa năm 2019 và vụ đông xuân 2019 - 2020 bị thiệt hại.
3. Một số biện pháp giảm thiểu tác hại của xâm nhập mặn
Người nông dân nên lựa chọn các loại cây vừa có giá trị kinh tế vừa có tính chịu mặn tương đối, kết hợp sử dụng phân hữu cơ để cải tạo đất, bón phân hợp lý để tăng năng suất.
Chú trọng thực hiện các giải pháp thủy lợi như: nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, tranh thủ lợi dụng thủy triều để bơm nước, đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ nước tại các khu vực chưa có công trình thủy lợi khép kín.
Xây dựng hệ thống đê biển, đê sông để ứng phó với mực nước biển dâng cao.
Người dân cần chủ động ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời kết hợp áp dụng biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, bảo vệ cây.
4. Amoni tăng cường khả năng chống chịu mặn cho cây có múi như thế nào?
Diện tích canh tác cây có múi ở ĐBSCL chiếm hơn 50% tổng diện tích cây có múi của cả nước. Trước tình hình xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, canh tác hợp lý nâng cao năng suất cây có múi là điều thiết yếu.
Trong nghiên cứu của trường Đại học Jaume (Tây Ban Nha), các nhà khoa học chứng minh rằng, khi bón đạm NH4+ cho cây Carrizo citrange (cam vàng) làm tăng khả năng chống chịu mặn.
Thí nghiệm diễn ra trên cây Carrizo citrange được bón dung dịch dinh dưỡng đầy đủ thiếu đạm nhưng được bổ sung 1mM NH4NO3 (cây đối chứng) và 5mM (NH4)2SO4 (cây bón đạm NH4+).
Sự phát triển của cây Carrizo citrange khi bón đạm NH4+
Sự phát triển của rễ thường bị suy giảm trong môi trường đất bị stress muối. Cây cam vàng được cung cấp đạm NH4+ có sự phát triển tốt hơn, sinh khối thực vật tăng. Hơn nữa, những cây bón đạm NH4+ lá có màu xanh đậm hơn và hàm lượng diệp lục cao hơn 13.12% so với cây đối chứng.
Bên cạnh đó, cây bón đạm NH4+ có sự phát triển rễ mạnh mẽ: sinh khối rễ tăng cao hơn, rễ bên phát triển hơn so với cây đối chứng.
Cây được bón đạm bằng NH4+ giảm tác hại do stress muối
Khi tưới dung dịch muối 90nM NaCl trên cây cam để tạo stress, cây cam vàng có dấu hiệu hoại tử và có vết bỏng trên lá. Trong trường hợp này, cây bón đạm NH4+ biểu hiện lá khỏe mạnh hơn 30% so với cây đối chứng.
Tác hại của stress mặn do độc tính Cl−, chứ không phải Na+. Nồng độ Cl− trên lá cao nhất xảy ra ở cây đối chứng sau 14 ngày bị nhiễm mặn. Tại thời điểm đó, nồng độ Cl− được ghi nhận ở lá của cây bón NH4+ giảm 24% khi so sánh lá của cây đối chứng. Cơ chế của quá trình giảm hấp thu Cl− ở cây bón NH4+ có thể là do ức chế các kênh protein chloride làm giảm hấp thu Cl−.
Cây được bón NH4+ tăng cường sự tích tụ H2O2
Khi bị nhiễm mặn, mức độ tích lũy H2O2 cao nhất ở các cây bón đạm NH4+. H2O2 hoạt động như một phân tử tín hiệu thứ cấp, kích hoạt gen liên quan đến quá trình chống chịu stress.
Cây được xử lý NH4+ tạo ra các con đường tín hiệu hormone
Khả năng kháng mặn được thực hiện qua các con đường truyền tín hiệu ABA, axit salicylic (SA) và axit jasmonic (JA). Các con đường này được đánh dấu bởi các gen RD22, PR5 và AOS.
Các cây được bón NH4+ có sự tích tụ RD22, PR5 và AOS cao hơn cây đối chứng khi bị nhiễm mặn. Các biểu hiện của gen đánh dấu cho các con đường ABA, SA và JA chỉ ra rằng tất cả các con đường này được cảm ứng nhiều hơn ở cây được xử lý NH4+ so với cây đối chứng.
Cây được bón NH4 + làm giảm tác hại của gốc tự do thông qua PHGPx
PHGPx là một loại enzym chống oxy hóa giúp làm giảm các hydroperoxit phospholipid – một gốc tự do được tạo ra trong điều kiện stress muối. Nhờ có PHGPx mà tổn thương tế bào được ngăn ngừa. Cây được xử lý đạm NH4+ đã tăng cường biểu hiện PHGPx sau 14 ngày bị stress muối.
Nghiên cứu này chứng minh rằng cây có múi được bón đạm NH4+ tạo ra một số cơ chế tăng khả năng chịu mặn tốt hơn. Việc sử dụng đạm NH4+ là một sự thay thế tối ưu trong việc sử dụng phân bón hóa học nhằm tăng sức đề kháng của cây trồng.
Dịch thuật và tổng hợp bởi Công ty TNHH Funo