Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng việc sử dụng phân bón trong nông nghiệp sẽ không ngừng tăng lên để đáp ứng nhu cầu lương thực do bùng nổ dân số. Sử dụng quá nhiều đạm thường gây ra ngộ độc cây trồng; lãng phí do rửa trôi hoặc phát thải khí nhà kính; ô nhiễm không khí, nước, đất và giảm đa dạng sinh học. Do đó, giảm thiểu lượng phân đạm đầu vào và cải thiện hiệu quả sử dụng đạm là một vấn đề quan trọng cần giải quyết.
Trường Đại học Nông nghiệp Cam Túc, Trung Quốc đã khảo sát tỷ lệ sử dụng phân đạm để cải thiện chất lượng và năng suất trên cây ớt chuông (Capsicum annuum L.). Tỷ lệ khảo sát đạm amoni/nitrat (NH4+/NO3-) gồm: 0/100 (cây đối chứng/cây chỉ bón nitrat); 12,5/87,5; 25/75; 37,5/62,5 và 50/50.
Các cây ớt chuông thí nghiệm được trồng trong nhà kính với điều kiện như sau: pH giá thể 6.79; nhiệt độ 28oC/18oC (ngày/đêm); thời gian chiếu sáng 12 giờ/ngày và độ ẩm tương đối từ 60–70%.
Cây ớt chuông bón đạm amoni/nitrat (25/75) làm tăng tích lũy chất khô và phát triển rễ
Việc tối đa hóa sự tích lũy chất khô là điều cần thiết đối với năng suất của cây ớt chuông. Tỷ lệ tích luỹ chất khô của rễ và chồi tăng đáng kể ở cây ớt chuông khi nồng độ amoni (NH4+) tăng từ 12,5–37,5% so với cây đối chứng (được bón hoàn toàn bằng nitrat). Tuy nhiên, khả năng tích lũy chất khô lại giảm khi tỷ lệ NH4+/NO3- đạt 50/50.
Tổng chiều dài rễ ở tỷ lệ cung cấp đạm NH4+/NO3– (25/75) đạt giá trị cao nhất, nhiều hơn 30% so với cây đối chứng.
Diện tích bề mặt rễ ở ở cây trồng khi bón đạm kết hợp ở tỷ lệ 25/75 cũng có giá trị cao hơn 32,8% so với cây đối chứng.
Khối lượng rễ có giá trị cao nhất ở tỷ lệ bón đạm 25/75, cao hơn 52,8% so với cây chỉ bón toàn nitrat (NO3-).
Hơn nữa, tỷ lệ amoni/nitrat 25/75 đã làm tăng thể tích và số lượng ngọn rễ cao nhất trong các tỷ lệ đạm được bón.
Nhìn chung, tỷ lệ amoni/nitrat ở mức 25/75 là công thức tối ưu giúp tăng cường tích lũy chất khô và sự tăng trưởng của rễ so với việc chỉ bón nitrat đơn lẻ.
Cây ớt chuông bón đạm amoni/nitrat (25/75) làm tăng hàm lượng đạm, lân và Kali trong các cơ quan
Cây ớt chuông được bón đạm với tỷ lệ amoni/nitrat (25/75) giúp tích lũy lượng đạm (N) cao nhất, cao hơn 29% so với cây đối chứng (chỉ được bón nitrat); sự tích lũy lân (P) là cao nhất so với các tỷ lệ đạm khác; sự tích lũy Kali (K) đạt khối lượng cao nhất là 1,58g so với đối chứng chỉ đạt 1,2g.
Vậy cây ớt chuông được cung cấp 25% amoni (NH4+) và 75% nitrat (NO3-) có hàm lượng đạm, lân và Kali tích lũy cao nhất ở các cơ quan khác nhau (lá, thân, rễ, quả). Vì cây được bón tỷ lệ đạm này giúp diện tích bề mặt rễ tăng cao hơn và rễ dài hơn cho phép tích tụ nhiều chất dinh dưỡng khoáng hơn.
Tuy nhiên, cây ớt chuông được xử lý với tỷ lệ amoni/nitrat đạt 50/50 cho thấy hiệu quả tích lũy chất dinh dưỡng giảm. Điều này cho thấy rằng nồng độ nitơ amoni cao có thể ức chế sự phát triển của cây ớt chuông.
Nhìn chung, tỷ lệ phân bố đạm trong các cơ quan khác nhau theo thứ tự: rễ <thân <lá <quả. Trong khi, lân và Kali phân bố trong các cơ quan theo tỷ lệ tăng dần: rễ <lá <thân <quả.
Cây ớt chuông bón đạm amoni/nitrat (25/75) giúp cải thiện chất lượng quả
Cây ớt chuông bón đạm amoni/nitrat (25/75) làm giảm hàm lượng nitrat gây độc trong quả so với cây đối chứng chỉ bón nitrat.
Việc bón tỷ lệ đạm này đã làm tăng hàm lượng vitamin C, đường hòa tan, protein hòa tan và chất dinh dưỡng thứ cấp trong quả so với bón cây chỉ bón nitrat. Ngoài ra, tỷ lệ đạm amoni/nitrat (25/75) giúp cải thiện chiều dài, chiều rộng, trọng lượng và số lượng quả trên mỗi cây, dẫn đến nâng cao chất lượng cảm quan và năng suất quả.
Hàm lượng đường hòa tan trong quả ớt chuông tăng ở những cây bón amoni/nitrat tỷ lệ 25/75 do tăng sự hấp thụ Kali. Người ta đã chứng minh rằng bón Kali làm tăng khả năng tích lũy đường.
Nhóm Capsaicinoids (bao gồm capsaicin và dihydrocapsaicin) tạo nên mùi vị đặc trưng và các công dụng của ớt chuông. Đây là chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng của loài quả này. Bón NH4+/NO3– (25/75) làm tăng hàm lượng capsaicin và dihydrocapsaicin lần lượt là 25,1% và 79,3% so với cây chỉ bón toàn nitrat. Tuy nhiên khi tăng tỷ lệ đạm amoni (NH4+) lên cao hơn sẽ làm giảm hàm lượng capsaicin và dihydrocapsaicin.
Cây ớt chuông bón đạm amoni/nitrat (25/75) làm tăng quá trình chuyển hóa đạm
Các enzym tham gia vào quá trình chuyển hóa đạm bao gồm: GS (glutamine synthetase), GOGAT (glutamate synthase), NR (nitrate reductase). Những cây ớt chuông được bón đạm tỷ lệ amoni/nitrat (25/75) có mức hoạt động của các enzym kể trên tăng đáng kể cho với cây đối chứng. Vì vậy quá trình chuyển hóa đạm của những cây ớt chuông này được tăng cường. Đó là lý do vì sao cây ớt chuông bón đạm amoni/nitrat (25/75) có lượng protein hòa tan tăng cao. Tuy nhiên, nếu lượng amoni tăng cao hơn thì quá trình chuyển hóa đạm bị ức chế.
Kết quả đã chứng minh rằng sử dụng đạm kết hợp NH4+/NO3- (25/75) là tỷ lệ thích hợp nhất để thúc đẩy cây sinh trưởng, phát triển và nâng cao chất lượng quả trong sản xuất ớt chuông.
Tỷ lệ đạm này giúp cải thiện sự phát triển của rễ và tích lũy dinh dưỡng đạm, lân, Kali và tăng sự tích lũy chất khô trong cây ớt chuông. Hơn nữa, việc sử dụng NH4+/ NO3- (25/75) đã nâng cao chất lượng quả bằng cách tăng hàm lượng vitamin C, đường hòa tan, protein hòa tan, chất dinh dưỡng thứ cấp và độ cay của quả.
Dịch thuật và tổng hợp bởi Công ty TNHH Funo