SỬ DỤNG ĐẠM HỢP LÝ GIÚP HẠN CHẾ BỆNH ĐỐM VÒNG Ở KHOAI TÂY

Biên tập bởi Hoàng MiĐăng 2 năm trước4,1070

 1.   Bệnh đốm vòng trên khoai tây là gì?

Bệnh đốm vòng hay còn gọi là bệnh úa sớm, xảy ra chủ yếu ở cà chua, khoai tây. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao. Mầm bệnh tồn tại trên tàn dư cây trồng ít nhất là một năm. Ở Đà Lạt, bệnh này phát sinh mạnh từ tháng 4 đến tháng 10. Nguyên nhân của bệnh đốm vòng do nấm Alternaria solani gây ra.

Mặc dù có tên là "sớm" nhưng các triệu chứng ở lá thường xảy ra trên các lá già. Nếu không được kiểm soát, bệnh đốm vòng có thể làm giảm năng suất đáng kể.

2.   Triệu chứng và thiệt hại của bệnh đốm vòng

Ở khoai tây, bệnh này khiến khoai tây bị rụng lá sớm, gây thiệt hại đến 50% năng suất hàng năm. Sự lây nhiễm ban đầu xảy ra trên các lá già, với các đốm nâu đen phát triển chủ yếu ở tâm lá, sau đó lá chuyển sang màu vàng và khô hoặc rụng. Trên thân cây, các vết đốm không có đường viền rõ ràng (so với các vết đốm trên lá). Vết bệnh trên củ có màu sẫm và phần thịt bên dưới cũng bị khô, có màu nâu.

su dung dam hop ly giup han che ben dom vong o khoai tay

3.   Điều kiện phát sinh và phát triển của bệnh đốm vòng

Môi trường ấm, ẩm (24-29°C) là điều kiện thích hợp cho bệnh đốm vòng. Nấm Alternaria solani lây bệnh và sinh sản bằng bào tử. Bào tử xâm nhập trực tiếp vào biểu bì lá hoặc xâm nhập qua khí khổng. Bệnh nhiễm trùng ở củ khoai tây thường xảy ra qua vết thương ở vỏ củ trong quá trình thu hoạch. Điều kiện ẩm ướt khi thu hoạch tạo môi trường thuận lợi cho sự nảy mầm của bào tử.

Sự lây lan mầm bệnh là do các bào tử phân tán nhờ gió, nước mưa hoặc nước tưới văng lên lá. Bệnh đốm vòng có nhiều chu kỳ lây nhiễm trong một mùa.

4.   Phòng ngừa bệnh đốm vòng bằng cách sử dụng đạm hợp lý

Phương pháp phổ biến để kiểm soát bệnh đốm vòng là thuốc diệt nấm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc diệt nấm đi kèm với chi phí cao, ô nhiễm môi trường và làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng đạm ảnh hưởng đến khả năng kháng bệnh đốm vòng của khoai tây. Khoai tây có hàm lượng đạm thấp dễ bị bệnh hơn và bệnh phát triển nhanh hơn so với khoai tây có đủ đạm. Hàm lượng đạm đầy đủ giúp kéo dài tuổi thọ của cây, làm chậm sự lão hóa và do đó làm giảm khả năng nhiễm bệnh của khoai tây với bệnh đốm vòng - một bệnh xảy ra khi cây già và yếu.

Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ phân đạm như một biện pháp ngăn chặn sự phát triển của bệnh này không có lợi về mặt kinh tế so với sử dụng thuốc diệt nấm. Sử dụng nhiều đạm ở dạng nitrat có thể gây sự thất thoát do bay hơi, rửa trôi và gây ô nhiễm nước ngầm.

SỬ DỤNG ĐẠM HỢP LÝ GIÚP HẠN CHẾ BỆNH ĐỐM VÒNG Ở KHOAI TÂY

Một cách sử dụng đạm hiệu quả để ngăn chặn sự phát triển của bệnh này bằng cách bón đạm đúng thời điểm mà không cần tăng tổng số lượng đạm. Cung cấp toàn bộ phân đạm trước khi trồng sẽ làm tăng khả năng đạm bị trôi hoặc bay hơi, bởi vì rễ chưa hình thành để hấp thu phân bón. Lượng mưa hoặc lượng nước tưới cũng có thể ảnh hưởng đến lượng đạm mà khoai tây có thể hấp thu. Nước mưa có thể rửa trôi dinh dưỡng ra khỏi đất.

Abuley và cộng sự đã chứng minh rằng, bón phân vào thời điểm khoai tây tạo củ hoặc chia nhỏ lượng phân đạm để bón vào thời kỳ: trước khi trồng, tạo củ và ra hoa sẽ giúp tăng khả năng hấp thu đạm của cây. Việc này không những làm tăng sức đề kháng của khoai tây với bệnh đốm vòng mà còn làm cải thiện năng suất tạo tinh bột trong củ.

Tóm lại, hàm lượng đạm và thời điểm bón phân đều ảnh hưởng đến khả năng chống chịu của khoai tây với bệnh đốm vòng và nâng cao năng suất cây trồng.

Dịch thuật và tổng hợp bởi Công ty TNHH Funo