Hiện nay súp lơ xanh (bông cải xanh) đã trở nên phổ biến trong bữa ăn của người Việt. Tại Việt Nam, loại rau này thường được trồng ở những khu vực có khí hậu lạnh, như Đà Lạt – Lâm Đồng. Sản xuất nông nghiệp hiện đại đòi hỏi quản lý phân bón hiệu quả và bền vững với môi trường. Tỷ lệ phân bón, dạng phân bón thích hợp, phương pháp và thời gian bón phân hiệu quả là cơ sở quan trọng để người nông dân nâng cao năng suất kinh tế.
Mục tiêu của nghiên cứu này là xác định ảnh hưởng của các dạng đạm (N), lưu huỳnh (S) và thời vụ trồng trọt đến năng suất, hàm lượng nitrat dư thừa và vitamin C của bông cải xanh (Brassica oleracea L. spp. Italica).
Kỹ thuật trồng trọt cây súp lơ xanh
Ba loại phân đạm (amoni sunfat, amoni nitrat và urê) được bón với hàm lượng 215 kg/ha. Lưu huỳnh (dung dịch chứa 38% lưu huỳnh nguyên chất) được cung cấp với tỷ lệ 0,0 và 0,5% dưới dạng phun qua lá. Thể tích dung dịch phun mỗi lần từ 30 - 50 mL/cây tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của cây trong cả hai vụ xuân và thu đông.
Các cây súp lơ được trồng trong nhà kính với nhiệt độ trung bình là 29,77oC cho vụ thu đông và 25,85oC cho vụ xuân. Ở vụ xuân, súp lơ trồng từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 5. Đối với vụ thu đông, súp lơ xanh trồng từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 2 năm sau. Độ ẩm của đất được giữ thích hợp cho đất cát (50–75%).
Các nguồn phân đạm được bổ sung với liều lượng như nhau ở thời điểm 4, 6 và 8 tuần sau khi trồng. Ngoài ra, lưu huỳnh bón qua lá ba lần trong giai đoạn sinh trưởng (được bổ sung trong cùng lúc với bón phân đạm).
Mùa vụ ảnh hưởng đến năng suất cây súp lơ xanh
Trong vụ thu đông, từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 12, nhiệt độ ban ngày giảm từ 28,53oC xuống 25,88oC. Tuy nhiên, nhiệt độ ban ngày tăng từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 (18,39oC đến 26,75oC) đối với mùa xuân.
Giá trị nhiệt độ ban ngày trong vụ thu đông vẫn cao hơn vụ xuân trong nửa tháng đầu canh tác. Nhiệt độ ban ngày trong vụ xuân đạt 31,8oC. Mặt khác, nhiệt độ ngày giảm xuống còn 21,87oC vào mùa thu đông.
Sự khác biệt giữa các mùa trồng trọt về nhiệt độ cũng ảnh hưởng tới năng suất của cây lơ xanh. Cụ thể, năng suất lơ xanh vụ thu đông đạt 17.15 tấn/ha, trong khi năng suất vụ xuân chỉ đạt 9.8 tấn/ha.
Các cây lơ xanh trồng trong vụ đông thu cho thấy hàm lượng vitamin C cao hơn so với trồng trong vụ xuân. Cụ thể, bông cải trồng vào vụ xuân có hàm lượng vitmin C là 151.72 mg/100g chất khô. Trong khi, bông cải trồng vụ thu đông có hàm lượng vitamin C là 160.91 mg/100g chất khô. Bên cạnh đó, hàm lượng nitrat dư thừa trong bông cải cũng giảm trong vụ thu đông so với vụ xuân.
Môi trường tác động khoảng (39%) trong việc xác định năng suất bông cải xanh. Vụ thu đông là thời điểm thích hợp cho cây bông cải xanh để gia tăng năng suất cũng như chất lượng bông.
Ảnh hưởng của các dạng đạm và lưu huỳnh đến năng suất của súp lơ xanh
Sản lượng bông lơ xanh đã tăng đáng kể trong vụ thu đông lần lượt là 135,93%, 108,36% và 112,34% khi sử dụng đạm amoni sunfat, amoni nitrat và urê khi không bổ sung lưu huỳnh. Nhưng, tỷ lệ tăng là 153,88 %, 133,74% và 124,06% ở cây có phun lưu huỳnh.
Nhìn chung, kết quả chỉ ra rằng những cây được phun lưu huỳnh tạo ra năng suất bông lơ xanh cao hơn so với những cây không được xử lý. Lưu huỳnh làm tăng năng suất khoảng 8–17% tùy thuộc vào dạng đạm được sử dụng.
Dạng phân đạm được sử dụng đã làm tăng đáng kể năng suất bông cải trong vụ thu đông. Các dạng amoni (NH4+) và nitrat (NO3-) dường như có hiệu quả như nhau đối với cây trồng, nhưng cũng phụ thuộc mạnh mẽ vào các điều kiện môi trường. Ví dụ, sự bay hơi của amoniac (NH3) có thể góp phần làm giảm hiệu quả sử dụng đạm. Sự phát thải NH3 từ phân bón amoni giảm xuống khi nhiệt độ đất giảm, nhưng tác động ngược lại được quan sát thấy khi nhiệt độ đất tăng.
Hiệu quả và việc sử dụng đạm của bông cải xanh có thể bị hạn chế bởi điều kiện nhiệt độ cao hơn (hơn 30oC). Vào mùa Thu Đông, nhiệt độ thấp vào tháng Giêng và tháng Hai (khoảng 22oC). Nhiệt độ này thuận lợi hơn cho hình thành bông cải. Mùa xuân ấm áp (đạt 31,8oC với độ ẩm tương đối thấp (48%) không thích hợp cho các giống cây trồng giữa và cuối vụ.
Năng suất cao nhất đối với amoni sunfat và amoni nitrat bón trong vụ thu đông có thể liên quan đến hiệu quả sử dụng đạm tốt hơn trong thời kỳ hình thành bông lơ (tháng 12 và tháng 1). Nó có thể là kết quả của việc giảm đạm thất thoát do bay hơi trong những tháng ẩm ướt với nhiệt độ thấp.
Các kết quả hầu hết chỉ ra rằng năng suất cao đáng kể trong vụ thu đông, khi cây được bón đạm amoni nitrat hoặc đạm amoni sunfat kết hợp với lưu huỳnh. Ngoài ra, việc sử dụng urê còn làm giảm năng suất khoảng 13–15% so với các nguồn đạm khác.
Ảnh hưởng của các dạng đạm và lưu huỳnh đến chất lượng súp lơ xanh
Mặc dù amoni nitrat (NH4NO3) chứa cả amoni và nitrat, trong khi amoni sunfat ((NH4)2SO4) chỉ chứa amoni, sản lượng tạo ra từ cả hai loại phân bón trong hầu hết các trường hợp đều tương tự nhau. Nhưng, các cây bông cải xanh được bón amoni nitrat (NH4NO3) có tích lũy lượng nitrat cao hơn đáng kể.
Đạm amoni nitrat (NH4NO3) có khả năng được hấp thụ nhanh. Đối với một loại cây trồng có chu kỳ sống ngắn như bông cải xanh, giúp năng suất cây trồng cao nhất, nhưng nó cũng làm tăng nồng độ nitrat. Khi sử dụng phân urê và amoni sunfat ((NH4)2SO4) thì sự tích lũy nitrat trong cây trồng là rất thấp.
Nhìn chung, các dạng đạm và việc sử dụng lưu huỳnh không ảnh hưởng đến vitamin C. Hầu hết, điều kiện môi trường và đặc điểm của giống sẽ ảnh hưởng đến hàm lượng vitamin C trong bông cải.
Vậy, việc bổ sung đạm amoni sunfat và kết hợp với huỳnh trong vụ thu đông đối với bông cải xanh là cần thiết để tạo ra năng suất cao hơn với chất lượng bông cải tốt (giảm lượng nitrat dư thừa) - ít gây ra nguy cơ sức khỏe cho con người.