CÓ NÊN BÓN ĐẠM KHI CÂY TRỒNG BỊ BỆNH? (PHẦN 1)

Biên tập bởi Hoàng MiĐăng 2 năm trước3,3650

Đạm là một trong những nguyên tố quan trọng nhất có ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của cây trồng. Trong suốt vòng đời, cây trồng thường tiếp xúc với nhiều loại mầm bệnh từ đất hoặc không khí. Khi cây trồng bị bệnh, người nông dân thường hạn chế bón đạm để ức chế mầm bệnh tuy nhiên lại giảm năng suất đáng kể. Vậy đạm có thực sự làm mầm bệnh ngày càng nghiêm trọng? Có nên hạn chế bón đạm khi cây trồng bị bệnh?

Đạm cũng tham gia rộng rãi vào các phản ứng của thực vật trước mầm bệnh gây hại. Nhưng vai trò của đạm trong các tương tác giữa cây trồng và mầm bệnh rất phức tạp vì đạm có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực.

Dinh dưỡng đạm ảnh hưởng như thế nào đến mầm bệnh?

Dữ liệu được thu thập từ 132 bài báo liên quan đến dinh dưỡng đạm và bệnh thực vật (từ năm 1944 – 2019) cho thấy có 55% trường hợp phân đạm làm tăng tỷ lệ nhiễm bệnh hoặc trầm trọng thêm tác hại của bệnh; 34% trường hợp phân đạm giúp tăng cường sức đề kháng trước mầm bệnh và 11% các trường hợp phân đạm không ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.

Ví dụ, trường hợp bón phân đạm có thể làm tăng tỷ lệ bệnh hại cây trồng như bệnh sương mai, bệnh phấn trắng, bệnh gỉ sắt, bệnh thối thân và bệnh đạo ôn,...

Đạm có thể tăng việc phân phối các chất độc của mầm bệnh hoặc cung cấp nguồn dinh dưỡng cho mầm bệnh phát triển. Khi lây nhiễm, mầm bệnh cần nhiều nguồn đạm (amoni, nitrat cũng như các axit amin). Ví dụ, axit gamma-aminobutyric (GABA) là nguồn đạm quan trọng cho sự phát triển của bệnh mốc đen lá (Cladosporium fulvum).

Trong nhiều trường hợp, phân đạm có thể hạn chế sự phát triển của mầm bệnh và ảnh hưởng đến việc kích thích và triển khai các biện pháp phòng vệ của cây. Bón phân đạm có thể làm giảm tình trạng bệnh như: bệnh toàn thân ở lúa mì, bệnh mốc xám, bệnh đốm lá, bệnh đốm nâu (do nấm Alternaria sp) và bệnh thối rễ (do nấm Fusarium sp),...

Dạng phân đạm (amoni, nitrat hay ure) có thể làm thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh cây. Ví dụ, dinh dưỡng amoni làm tăng đáng kể khả năng chống chịu của thực vật đối với bệnh toàn thân ở lúa mì, bệnh đốm đen ở loại cỏ làm thức ăn cho gia súc, bệnh thối rễ đen ở dâu tây, bệnh héo rũ (do nấm Vetticillium dahlia).

Trong khi dinh dưỡng nitrat tăng sức đề kháng của thực vật đối với nhiễm nấm Fusarium sp (gây thối rễ hoặc héo rũ).

CÓ NÊN BÓN ĐẠM KHI CÂY TRỒNG BỊ BỆNH?

Dinh dưỡng đạm ảnh hưởng đến cơ chế đề kháng của cây trồng

Mối liên hệ giữa dinh dưỡng đạm và khả năng tự vệ của cây được xét trên các phương diện vật lý, sinh hóa. 

Nhìn chung, đạm có tác động tiêu cực đến khả năng phòng vệ vật lý và sản xuất hoạt chất chống lại vi khuẩn. Nhưng lại tác động tích cực đến các enzym và protein liên quan đến cơ chế phòng thủ của cây trồng. Dinh dưỡng đạm cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ thông qua chuyển hóa axit amin và sản xuất hormone liên quan đến phòng thủ.

Cơ chế phòng thủ vật lý của cây trồng thường liên quan đến lớp vỏ ngoài cùng (các hàng rào vật lý và các hợp chất hóa học được hình thành trước) của các mô thực vật.  Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên tiếp xúc với các mầm bệnh xâm nhập. Độ bền của hàng rào vật lý quyết định đến số lượng mầm bệnh có thể xâm nhập vào cây trồng. Do đó những thay đổi về tính thấm của lớp biểu bì, độ dày thành tế bào và mức độ hóa gỗ, ảnh hưởng lớn đến khả năng chống nhiễm bệnh của cây trồng.

Các biện pháp phòng thủ hóa học liên quan chủ yếu bao gồm các chất chuyển hóa thứ cấp ức chế sự xâm nhập thêm mầm bệnh và ức chế sự phát triển của vi sinh vật. Các chất hợp chất thứ cấp kháng khuẩn cũng cũng tăng cường khả năng miễn dịch của thực vật.

Phân đạm có thể làm tình trạng bệnh tồi tệ hơn nhưng cũng có thể ức chế sự phát triển của bệnh hại, tùy vào từng loại mầm bệnh và loại cây trồng. Ngoài ra, các dạng khác nhau của phân đạm (amoni so với nitrat) có tác động khác nhau đến khả năng kháng bệnh của cây trồng. Người nông dân cần xem xét tác nhân bệnh cụ thể và tham khảo ý kiến từ chuyên gia để có cách khắc phục hiệu quả.