PHÂN ĐẠM GIÚP CẢI THIỆN NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG TRÁI CÀ CHUA

Biên tập bởi Đoàn Mỹ DiệnĐăng 2 năm trước3,8770

Đạm là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất mà cà chua cần để có năng suất và chất lượng tốt hơn, bởi vì nhiều quá trình chuyển hoá sinh lý và cấu tạo của cây trồng có liên quan đến dinh dưỡng đạm (Maathuis, 2009). 

Do nhu cầu cao và tầm quan trọng của đạm đối với cà chua, hiện nay việc bón thừa phân vẫn rất phổ biến khi trồng cà chua truyền thống nhằm đạt được năng suất cao hơn và lợi nhuận nhiều nhất có thể dựa trên kinh nghiệm của nông dân. 

Kết quả là bón phân quá mức đã dẫn đến nhiều tác dụng phụ có thể xảy ra, chẳng hạn như tích tụ nitrat trong đất hoặc thất thoát do bị rửa trôi (Min và cộng sự, 2012; Thompson và cộng sự, 2020), phát thải oxit nitơ (He và cộng sự, 2009), cũng như giảm hoạt động của các dinh dưỡng khoáng khác và tổng hợp các chất chuyển hóa thứ cấp (anthocyanin, vitamin) (Xing và cộng sự, 2015). 

Do đó quản lý bón phân đạm hợp lý là điều cần thiết cho sự phát triển của cây cà chua và tính bền vững của môi trường (Albornoz, 2016).

Tổng quan kết quả nghiên cứu 

Một phân tích tổng hợp toàn cầu về năng suất cà chua, hiệu quả sử dụng nước và chất lượng quả, bao gồm 1096 cặp dữ liệu từ 76 ấn phẩm từ tám quốc gia đã kết luận rằng tỷ lệ đạm tối ưu là từ 236 đến 354 kg/ha với tiềm năng tăng năng suất đáng kể lên 59,9%, tăng cường Vitamin C, tỷ lệ đường/axit, đường hòa tan và tổng chất rắn hòa tan (TSS) lên tương ứng là 18,8%, 33,5%, 23,5% và 11,9 %, nhưng giảm lycopen 10,8% và tăng hàm lượng nitrat 60,4%. 

Năng suất cà chua và lượng đường hoà tan khác biệt không đáng kể giữa trồng nhà kính/chậu và ngoài đồng ở tỷ lệ đạm tối ưu. 

Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 12–23°C đã cải thiện hầu hết các chỉ tiêu chất lượng cà chua (tổng chất rắn hoà tan, vitamin C, tỷ lệ đường/axit, hàm lượng nitrat và lycopen) và năng suất ở tỷ lệ đạm tối ưu. 

pH đất ảnh hưởng không đáng kể lên tổng chất rắn hoà tan và đường hoà tan ở tỷ lệ đạm tối ưu. Năng suất cà chua, Vitamin C, tỷ lệ đường/axit và hàm lượng nitrat được cải thiện nhiều hơn ở đất có pH <7, trong khi axit hữu cơ (OA) cho kết quả ngược lại. 

Bón phân đạm giúp cải thiện năng suất cà chua

Bón phân đạm giúp cải thiện năng suất cà chua

Trong phân tích tổng hợp này, người ta thấy rằng bón phân đạm có tương quan thuận với năng suất cà chua. Cung cấp đạm thấp, tối ưu và cao đã làm tăng năng suất cà chua lần lượt là 40,4%, 59,9%, 63,3% so với không cung cấp đạm. 

Tuy nhiên, cung cấp đạm cao hơn tỷ lệ đạm tối ưu không làm tăng đáng kể năng suất cà chua (Bot và cộng sự, 2001; Drenovsky và cộng sự, 2012 a; Johannes và cộng sự, 2000).

Nguyên nhân có thể là do việc gia tăng lượng đạm đầu vào giúp đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho cà chua trong vùng rễ, kích thích sự phát triển của rễ bên và tăng chất lượng rễ, thúc đẩy sự hấp thụ nước ở vùng rễ (Drenovsky và cộng sự., 2012a), do đó làm tăng năng suất cà chua. 

Tuy nhiên, đầu vào quá nhiều phân đạm dẫn đến tích tụ đạm nitrat trong đất (Min và cộng sự, 2012 ; Thompson và cộng sự, 2020), đây là một trong những lý do chính dẫn đến sự nhiễm mặn thứ cấp của đất. 

Cuối cùng, sự nhiễm mặn thứ cấp của đất đã làm suy yếu sự phát triển của rễ và sau đó làm giảm hiệu quả sử dụng đạm và năng suất cà chua (He et al., 2009). 

Ngoài ra, việc cung cấp nhiều đạm làm giảm hoạt động của vi sinh vật, tính chất hóa học, các đặc điểm sinh hóa của đất ở vùng rễ, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ và sử dụng chất dinh dưỡng (Truu và cộng sự, 2009) và sau đó dẫn đến giảm năng suất cà chua.

Bón phân đạm giúp cải thiện chất lượng cà chua

Bón phân đạm giúp cải thiện chất lượng cà chua

Ngoài năng suất cà chua, đạm cũng nâng cao chất lượng quả cà chua để đáp ứng yêu cầu thị trường cao hơn (Ochoa-Velasco và cộng sự., 2016). 

Các công bố trước đây đã báo cáo rằng phân bón đạm, đặc biệt là ở tỷ lệ cao sẽ làm giảm hàm lượng Vitamin C (Lee và Kader, 2000). Trong khi đó, phân tích tổng hợp này cũng nhận thấy rằng tỷ lệ đạm cao (>354 kg/ha) làm giảm vitamin C trong quả cà chua ở một mức độ nào đó. 

Tuy nhiên, hàm lượng nitrat trong quả cà chua cho thấy sự gia tăng tuyến tính, dần dần khi tăng nguồn cung cấp đạm, phù hợp với kết quả báo cáo của Wang và cộng sự. (1998).

Kết quả có thể được giải thích rằng nồng độ đạm nitrat trong cà chua tăng lên cùng với sự gia tăng cung cấp đạm, làm cho hàm lượng nitrat cũng tăng theo (Yuan và cộng sự., 2008).

Chất lượng vị cà chua bị ảnh hưởng phần lớn bởi tỷ lệ đường/hàm lượng axit (SAR), đường hòa tan (SS) và axit hữu cơ (OA) (Lu và cộng sự, 2021). Nguồn cung cấp đạm tối ưu làm tăng đáng kể đường hoà tan và axit hữu cơ, trong khi mức tăng của axit hữu cơ không đáng kể. 

Việc sử dụng đạm có thể làm tăng đáng kể tổng chất rắn hòa tan lên 4,6%, 11,9% và 11,6%, trong khi sự khác biệt giữa lượng đạm cung cấp tối ưu và cao là không đáng kể. Những kết quả này trùng hợp với kết quả của Hernández và cộng sự. (2020). 

Công ty TNHH Funo dịch và tổng hợp