Tất cả thực vật đều sử dụng đạm (N) ở dạng NO3- và NH4+. Đạm là yếu tố quan trọng nhất cho sự sinh trưởng và phát triển tối ưu của cây trồng, giúp nâng cao năng suất cũng như chất lượng nông sản bởi vì N tham gia vào các chức năng sinh hóa và sinh lý của thực vật. Với tầm quan trọng to lớn của N trong nông nghiệp, việc khám phá vai trò của phân đạm ở các góc độ khác nhau và tìm ra biện pháp sử dụng hợp lý trong việc thúc đẩy năng suất cây trồng là vô cùng cần thiết.
1. Đạm giữ vị trí quan trọng trong hệ thống trao đổi chất của thực vật
N là thành phần quan trọng của axit amin-thành phần cấu tạo nên protein. Tất cả các quá trình quan trọng của thực vật đều gắn liền với protein mà trong đó đạm là thành phần thiết yếu.
Protein được thực vật sử dụng để hỗ trợ cấu trúc tế bào. Các protein cũng được phân bổ để tổng hợp các enzyme nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các phản ứng sinh hóa quan trọng.
Đạm là bộ phận quan trọng của các tế bào sống và các chất xúc tác cần thiết cho các quá trình trao đổi chất. Do đó, để tăng sản lượng cây trồng, việc bón phân đạm là tất yếu và không thể tránh khỏi.
2. Đạm là thành phần quan trọng của chất diệp lục
N là một thành phần quan trọng trong chất diệp lục - phân tử sinh học cho phép thực vật hấp thu năng lượng từ ánh sáng (tức là quang hợp) để tạo điều kiện cho sự phát triển. Quang hợp sử dụng năng lượng ánh sáng để tạo ra các phân tử chứa N khác, bao gồm các cấu trúc hóa học năng lượng cao được gọi là adenosine triphosphate (ATP).
Diệp lục tố tạo màu xanh cho cây và tham gia vào việc tạo ra thức ăn cho cây, thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của lá, thân và các bộ phận sinh dưỡng khác.
Tỷ lệ đạm tối ưu làm tăng quá trình quang hợp cũng như tốc độ đồng hóa thuần. Diện tích lá tối đa (LA) và tổng sinh khối lá của cây là yếu tố quyết định năng suất cây trồng cao hơn.
Đạm có chức năng tích lũy sinh khối khi được sử dụng từ rễ và lá, vì nó đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển hệ thống thân lá.
Hình 1: Tỷ lệ hình thành chất diệp lục tăng lên trong thực vật theo hướng tăng sử dụng N
3. Đạm tham gia vào thành phần cấu trúc của các hợp chất quan trọng, đảm bảo sự sống của cây trồng
Đạm là thành phần quan trọng của các axit nucleic như DNA - vật liệu di truyền giúp cây trồng sinh trưởng và sinh sản.
Có bốn bazơ nitơ chính được tìm thấy trong DNA: cytosine (C), adenine (A), guanine (G) và thymine (T). Các sợi phân tử DNA xoắn kép được liên kết với nhau bởi bốn gốc nitơ này thông qua liên kết hydro. Việc cung cấp đủ N là rất quan trọng để duy trì tính toàn vẹn di truyền của cây trồng từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đạm là một thành phần của ATP, hợp chất chuyển hoá năng lượng được tạo ra từ quá trình quang hợp.
ATP cho phép các tế bào bảo tồn và sử dụng năng lượng được giải phóng trong quá trình trao đổi chất để thúc đẩy tất cả các phản ứng sinh hóa cần thiết, hỗ trợ việc chuyển giao năng lượng bên trong, tạo điều kiện cho sự phân chia tế bào (tức là sự phát triển) trong toàn bộ vòng đời của cây trồng.
Đạm đồng thời là thành phần của nhiều hợp chất hữu cơ khác như vitamin, các chất điều hoà sinh trưởng nội sinh.
Các hợp chất này giữ vai trò điều tiết các hoạt động sống của tế bào và cơ thể.
Vitamin hoạt động như một “cofactor” trong các con đường trao đổi chất, thúc đẩy tạo ra các hợp chất cần thiết cho cây trồng và vi khuẩn, giúp tăng cường sức đề kháng chống lại các mầm bệnh, trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của thực vật và tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng từ các hợp chất dự trữ trong cây.
Chất điều hoà sinh trưởng thực vật kiểm soát tất cả các hoạt động sinh trưởng và phát triển như phân chia và giãn nở tế bào, ra hoa, hình thành hạt, miên trạng…
4. Đạm kích thích sự phát triển của rễ cũng như thúc đẩy hấp thu các chất dinh dưỡng khác.
Đạm có trong rễ vì protein và enzyme giúp điều chỉnh sự hấp thụ nước và chất dinh dưỡng. Đạm hỗ trợ sự hấp thu và sử dụng các chất dinh dưỡng khác bao gồm kali, lân và điều khiển sự phát triển tổng thể của thực vật.
Hầu hết thực vật hấp thu đạm liên tục trong suốt vòng đời và sự hấp thu thường tăng lên khi cây tăng kích thước. Cây trồng phải thiết lập một hệ thống rễ rộng để hấp thu đủ đạm cho sự phát triển khỏe mạnh và những cây có rễ kém phát triển thường có dấu hiệu thiếu đạm ngay cả khi có đủ đạm trong đất.
Cây trồng thiếu đạm sẽ phát triển chậm vì không thể sản xuất hiệu quả các vật liệu cấu trúc và di truyền cần thiết cho sự phát triển. Cây thiếu đạm có thể có màu xanh lục nhạt hoặc hơi vàng vì diệp lục không phát triển đầy đủ.
5. Đạm giúp nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng
Tất cả các loại thực vật bao gồm ngũ cốc, hạt có dầu, sợi bông…đều yêu cầu một lượng đạm cân bằng cho quá trình sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ. Sử dụng N hợp lý sẽ đảm bảo năng suất và chất lượng tốt nhất. Việc tăng hàm lượng đạm ảnh hưởng đáng kể đến năng suất hạt của các loại ngũ cốc.
Đối với cây mía, đạm cũng là thành phần xương sống. Đạm giúp cải thiện các bộ phận sinh dưỡng và do đó làm tăng trọng lượng mía. N không phải là một nguyên tố chỉ có ích cho một loại cây trồng cụ thể mà là thức ăn tuyệt vời cho mọi loài thực vật sống.
Đạm đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng trái xoài. Bón phân đạm cho xoài làm tăng rõ rệt số trái/cây, hàm lượng thịt cũng như chất lượng trái.
Đối với cây có múi, tỷ lệ N khuyến cáo cho cây con thường phụ thuộc vào việc phân tích N trên lá hoặc lượng N mất đi khi thu hoạch quả.
Lá, cành, rễ góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra năng suất cho nhiều loại rau, phân đạm làm tăng kích thước lá và màu sắc của rau bó xôi. Các dạng phân đạm được sử dụng rộng rãi trong rau sản xuất rau màu.
Công ty TNHH Funo tổng hợp và biên tập