KỸ THUẬT SỬ DỤNG PHÂN LÂN HIỆU QUẢ, TIẾT KIỆM CHI PHÍ

Biên tập bởi Hoàng MiĐăng 3 năm trước16,9550

Lân (P) là một trong ba chất dinh dưỡng đa lượng cho cây trồng. Do tính di động thấp và tính cố định cao trong đất, nên hàm lượng lân có sẵn cho cây trồng rất hạn chế. Điều này ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng và chi phí sản xuất. Tuy nhiên, cách quản lý và sử dụng phân có thể cải thiện đáng kể hiệu quả hấp thu và sử dụng dinh dưỡng lân.

Đúng sản phẩm

Phân lân rất đa dạng sản phẩm bao gồm: phân bón dạng lỏng (polyphotphat), sản phẩm dạng rắn (MAP, DAP, supe lân); phân bón hỗn hợp (NPK) và phân lân tự nhiên khai thác từ quặng khoáng sản (apatit, photphorit),.... Lựa chọn nguồn phân bón thích hợp tưởng chừng như đơn giản nhưng có nhiều yếu tố tác động mà bà con nông dân cần cân nhắc.

Những khu vực có độ dốc cao, lượng mưa lớn, phân lân dễ bị thất thoát do rửa trôi. Khi đó, các nguồn hòa tan chậm như phân lân tự nhiên có thể giải phóng đủ lân để duy trì năng suất cây trồng, giảm lượng dinh dưỡng trôi theo nước.

pH đất là yếu tố hàng đầu giúp cây trồng hấp thu lân.

Phân lân tự nhiên cũng hoạt động hiệu quả trên đất chua ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Sử dụng lân tự nhiên một cách riêng lẽ hoặc kết hợp với các nguồn lân hòa tan khác đã được chứng minh là hiệu quả, tùy thuộc vào loại cây trồng, độ pH của đất và khả năng cố định lân của đất.

Ở một số loại đất vôi, đất kiềm và đất trung tính, nguồn lân hấp thu nhanh như polyphotphat, supe lân sẽ hiệu quả hơn trong việc tăng năng suất cây trồng so với các loại phân lân khó tiêu. Ở những loại cây ngắn ngày cũng rất phù hợp để sử dụng những loại phân kể trên.

KỸ THUẬT SỬ DỤNG PHÂN LÂN HIỆU QUẢ, TIẾT KIỆM CHI PHÍ

Việc bón kết hợp đạm với lân làm tăng sự hấp thu của hai loại dinh dưỡng này so với việc bón từng loại riêng lẻ. Một số dạng phân bón kết hợp giữa đạm và lân mà bà con có thể sử dụng: mono-ammonium phosphate (MAP) và diammonium phosphate (DAP) hoặc phối hợp bón lân với phân chuồng (2 % phân chuồng + supe lân, 3-5 % phân chuồng + photphorit) để tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Các loại lân khác nhau có thành phần khác nhau, nên muốn bón phân hiệu quả cần quan tâm đến thành phần của phân bón sao cho phù hợp với nhu cầu cây trồng. Ví dụ, supe lân có chứa lưu huỳnh (S), rất phù hợp với những cây có nhu cầu cao với lưu huỳnh. Phân lân nung chảy trong thành phần có chứa Magie (Mg), Silic (SiO2), nên rất hiệu quả trên nền đất thoái hóa, rửa trôi mạnh hay khi bón cho những loại cây cối có nhu cầu với những chất trên.

Đúng tỷ lệ

Bước đầu tiên để lựa chọn tỷ lệ bón thích hợp là hiểu được nhu cầu dinh dưỡng của cây và khả năng cung cấp dinh dưỡng có sẵn trong đất thông qua việc kiểm tra đất. Trong đất chứa một lượng đáng kể phân lân dạng vô cơ và hữu cơ. Qua quá trình khoáng hóa trong đất, phân lân hữu cơ chuyển thành dạng dễ hấp thu cho cây trồng.

Ở một số nền nông nghiệp phát triển, dịch vụ kiểm tra đất với chi phí hợp lý và quy trình đơn giản. Đối với những nền nông nghiệp chưa hiện đại, đội ngũ kỹ sư đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn giải pháp dinh dưỡng cây trồng.

Đúng thời điểm và đúng cách

Các chất dinh dưỡng nên được sử dụng để phù hợp với nhu cầu cây trồng theo mùa, phụ thuộc vào ngày gieo trồng, đặc điểm sinh trưởng của cây, mô hình hấp thụ chất dinh dưỡng và khả năng thất thoát chất dinh dưỡng ra môi trường. Ví dụ, bón lân vào thời kỳ cây cần lân cao (vườn ươm, ruộng mạ, cây mới trồng,...). Một số loại phân NPK có hàm lượng lân can rất thích hợp cho giai đoạn này như Cytovita 15.30.15, MPK. Đặc biệt MPK là nguồn lân gần như duy nhất trong canh tác giá thể.

Loại phân được sử dụng cũng ảnh hưởng đến thời gian bón phân. Vì lân rất cần thiết cho sự phát triển ban đầu của rễ cây, nên cần lượng lớn phân lân dễ tiêu ở giai đoạn này. Đối với phân supe lân hoặc polyphotphat chứa hàm lượng lân dễ tiêu cao nên chỉ cần bón gần thời gian trồng. Những loại phân lân tự nhiên như apatit, photphorit cần thời gian chuyển hóa trong đất nên phù hợp bón lót trước vài tháng.

KỸ THUẬT SỬ DỤNG PHÂN LÂN HIỆU QUẢ, TIẾT KIỆM CHI PHÍ

Đúng vị trí

Cách bón phân có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng. Đặc biệt là với các chất dinh dưỡng di động kém và quá trình cố định nhanh như lân. Bón lân cùng với hạt giống hoặc trộn phân lân vào đất, bón gần vùng rễ sẽ làm tăng hiệu quả hấp thu so với chỉ bón phân trên bề mặt.

Một số lưu ý khi sử dụng các loại phân lân

+ Phân lân đa phần dùng bón lót, chỉ supe lân, polyphotphat, MAP, DAP, Cytovita 15.30.15 và MPK được dùng bón thúc.

+ Tùy vào loại đất chua ít hay nhiều, đất kiềm hay trung tính mà chọn loại phân lân phù hợp.

+ Nên tích hợp bón phân lân và phân đạm sẽ làm tăng hiệu suất cao của lân, hạn chế sự cố định và thất thoát trong đất.

+ Bón quá nhiều lân làm cho cây bị thiếu một số nguyên tố vi lượng.

+ Cần giữ độ ẩm cho đất, không để đất khô khi bón lân bằng cách tưới nước vừa đủ và sử dụng che phủ trong nông nghiệp (rơm, màng nilong).

+ Cày xới đất, tạo điều kiện cho giun đất sinh sống, để đảm bảo độ thoáng khí cho hoạt động của rễ và tránh đất bị nén gây cản trở hấp thu lân.

Kết luận

Việc áp dụng các nguyên tắc quản lý chất dinh dưỡng 4 Đúng sẽ giúp đảm bảo rằng phân lân được sử dụng một cách hiệu quả. Từ đó, tiết kiệm công sức và chi phí sản xuất cho người nông dân.