PHÂN LÂN VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG HẤP THU

Biên tập bởi Hoàng MiĐăng 3 năm trước8,3080

Khả năng hòa tan lân trong đất là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hấp thụ lân của cây trồng. Lân hòa tan nhanh chóng kết hợp với các khoáng chất trong đất trở thành dạng khó hấp thụ, gọi là quá trình cố định lân. Cùng với khả năng di động kém trong đất nên dinh dưỡng lân khó phân bố đến các vùng rễ. Vì vậy, chỉ từ 10-15% lân trong phân bón được cây trồng hấp thu. Việc này dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cùng Funo.vn tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng lân của cây trồng!

Lân trong đất tồn tại ở dạng hữu cơ và vô cơ. Tuy nhiên, chỉ các ion lân như: H2PO4- và HPO42- hòa tan trong dung dịch đất mới được cây trồng hấp thụ.

Độ pH của đất

Đã có nhiều nghiên cứu về vai trò của độ pH đất tối ưu, giúp tối đa hóa lượng lân dễ tiêu cho cây trồng. Với độ pH từ 6 - 6,5 thường được coi là thích hợp cho hầu hết các loại đất. Duy trì độ pH của đất trong phạm vi này cũng tạo điều kiện ion H2PO4- hiện diện tối đa, được cây trồng dễ hấp thụ hơn so với các ion HPO42-.

Trong điều kiện pH 8.0 (ví dụ, đất đá vôi), dinh dưỡng lân có xu hướng liên kết với canxi tạo thành dạng khó tiêu. Trong điều kiện đất chua, lân bị kết tủa dưới dạng hợp chất của sắt hoặc nhôm, khiến cây trồng không thể hấp thu. Có một số cách để điều chỉnh pH đất: bón vôi và đạm nitrat để tăng pH đất, đạm amoni làm giảm pH đất.

Duy trì pH đất một cách hợp lý sẽ tối đa hóa lượng lân dễ tiêu trong đất, có nghĩa là nhu cầu về phân bón lân sẽ giảm xuống.

PHÂN LÂN VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG HẤP THU

Cân bằng dinh dưỡng cây trồng

Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng khác của cây trồng có xu hướng làm tăng sự hấp thụ lân từ đất. Bổ sung thêm lưu huỳnh thường làm tăng hàm lượng lân dễ tiêu trong đất trung tính. 

Việc bón kết hợp đạm với lân làm tăng sự hấp thu lân so với việc bón phân lân hoặc phân đạm riêng lẻ. Ở đất chua, pH tăng do hấp thu nitrat giúp tăng cường hấp thu lân bằng cách giải phóng ion lân từ liên kết với nhôm và sắt hoặc kích thích vi sinh vật khoáng hóa lân. Trong đất trung tính hoặc đất kiềm, sự axit hóa vùng rễ do bón amoni có thể tăng cường sự di động của các hợp chất ít tan của canxi và lân và do đó tăng sự hấp thu lân.

Chất hữu cơ

Đất có nhiều chất hữu cơ chứa một lượng đáng kể lân dạng hữu cơ, qua quá trình khoáng hóa sẽ cung cấp lượng lân sẵn có cho sự phát triển của cây trồng. Ngoài việc cung cấp lân, chất hữu cơ còn hoạt động như một chất chelat, ngăn chặn sự hình thành hợp chất của lân với sắt, mà cây khó hấp thu. Chelat là phức chất vòng giữa các hợp chất hữu cơ với các ion kim loại, giúp tăng thêm số lượng các dưỡng chất dễ tiêu cho cây trồng.

Việc bón nhiều vật liệu hữu cơ như phân chuồng, xác bã thực vật hoặc cây phân xanh vào đất có giá trị pH cao không chỉ cung cấp lân, mà khi phân hủy còn cung cấp các hợp chất có tính axit, làm tăng hàm lượng lân dễ tiêu trong đất.

Loại đất (tỷ lệ sét)

Cố định lân trong đất là quá trình chính chuyển lân từ dạng dễ tiêu liên kết với kim loại thành dạng khó tiêu. Các hạt đất sét có xu hướng giữ lại hoặc cố định lân trong đất. Do đó, đất kết cấu mịn như đất thịt pha sét có khả năng cố định lân lớn hơn so với đất cát, đất kết cấu thô. Đất sét tỷ lệ 1:1 (kaolinit) có khả năng cố định lân nhiều hơn đất sét tỷ lệ 2:1.

Đất trong điều kiện mưa lớn và nhiệt độ cao chứa một lượng lớn đất sét kaolinit và do đó có khả năng cố định lân lớn hơn nhiều so với đất chứa sét tỷ lệ 2:1. Nhiệt độ cao và lượng mưa lớn cũng làm tăng lượng oxit sắt và nhôm trong đất, góp phần lớn vào việc cố định lân.

PHÂN LÂN VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG HẤP THU

Thời gian và cách bón phân

Sự cố định lân trong đất tăng lên theo thời gian tiếp xúc giữa lân dễ tiêu và các hạt đất. Do đó, việc sử dụng phân lân hiệu quả hơn bằng cách bón phân một thời gian ngắn trước khi trồng cây. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả trên các loại đất có khả năng cố định lân cao. Với sự phát triển của công nghệ sản xuất lân, lân trở nên dễ hấp thụ hơn (ví dụ, phân polyphotphat) nên không cần phải bón lót, làm giảm lượng lân hòa tan.

Ở những vùng đồng bằng ven biển, có thể bón phân vài tháng trước khi trồng mà lượng lân dễ tiêu cho cây trồng ít hoặc không giảm. Bón phân nhiều lần thay vì một lần cũng làm tăng hiệu quả của sử dụng lân.

Nhiệt độ đất, độ thoáng, độ ẩm và độ nén

Sự hấp thụ lân của cây bị giảm do nhiệt độ đất thấp và độ thoáng khí của đất kém. Phân bón chứa nhiều lân hòa tan trong nước, làm tăng sự phát triển của cây trồng khi thời tiết mát mẻ.

Độ ẩm đất quá cao hoặc đất nén chặt, làm giảm lượng oxy cung cấp cho đất và giảm khả năng hấp thụ lân của rễ cây. Việc nén chặt làm giảm sự thông khí và hô hấp vùng rễ. Đất nén cũng làm giảm thể tích đất mà rễ cây xuyên qua, làm rễ bị hạn chế khả năng tiếp cận lân trong đất.

Funo.vn hi vọng cung cấp những thông tin hữu ích để bà con nông dân có cách sử dụng lân phù hợp để nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí.