PHÂN BÓN SILIC – GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT BỆNH THÁN THƯ TRÊN ỚT

Biên tập bởi Hoàng MiĐăng một năm trước1,6370

Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum spp. gây ra, là một trong các bệnh hại nghiêm trọng trên ớt và làm giảm sản lượng từ 10 - 80% trên thế giới. Bệnh này xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây, nhưng thường gây hại mạnh nhất vào giai đoạn quả chín, dẫn đến thối rữa trong quá trình bảo quản. Tuy nhiên, quả ớt sau thu hoạch được xử lý bằng thuốc diệt nấm, làm tăng khả năng ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở người và khả năng kháng thuốc của mầm bệnh. Do đó, nhà nông cần các giải pháp kiểm soát bệnh thay thế và thân thiện với môi trường. Phân bón Silic được chứng minh làm tăng khả năng kháng nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh thán thư trên ớt. Cùng Funo.vn tìm hiểu tác dụng của phân bón Silic đối với cây ớt trong điều kiện nhiễm bệnh thán thư!

1. Biểu hiện bệnh thán thư trên các bộ phận khác nhau của cây ớt

Thành phần của loài Colletotrichum gây bệnh thán thư trên ớt khá đa dạng, gồm ít nhất bảy loài: C. gloeosporioides, C. capsici, C.acutatum, C. coccodes, C. dematium, C. nigrum và C. atramentarium. Trong đó, hai loài C. capsici C. gloeosporioides là nguyên nhân phổ biến gây bệnh thán thư cho ớt ở Việt Nam.

Bệnh thán thư gây hại trên tất cả các bộ phận của cây ớt: thân, lá, quả và hạt. Tuy nhiên bệnh phát triển mạnh và gây hại nặng vào giai đoạn quả già chín.

Biểu hiện bị bệnh thán thư trên lá: Vết bệnh hình tròn hoặc không có hình dạng nhất định. Ban đầu, đốm bệnh có màu nâu nhạt ở mặt dưới lá, sau chuyển màu nâu sậm, có viền đỏ, lan rộng và lõm sâu.

Bệnh thán thư trên thân cây: Cũng như ở lá, vết bệnh cũng lõm xuống, tạo thành vết dọc màu nâu đen. Khi thấy cây kém phát triển và có lá vàng và rụng sớm thì có khả năng đã bị nhiễm bệnh.

Bệnh thán thư trên quả: Vết bệnh lúc đầu là những đốm hình tròn, lõm vào bên trong, sau đó cứ lan rộng dần. Nếu bệnh nặng, nhiều vết hoà lẫn với nhau bao gần hết cả vỏ quả, rồi khô dần và chuyển sang màu nâu xám hay xám. Bên trong có nhiều vòng đồng tâm và có những chấm nhỏ li ti màu đen, làm cho quả teo quắt lại không ăn được hoặc gây rụng quả.

Biểu hiện bệnh thán thư trên các bộ phận khác nhau của cây ớt

Hình: Biểu hiện bệnh thán thư trên các bộ phận khác nhau của cây ớt

2. Phân bón Silic làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh thán thư trên ớt

Diện tích vết bệnh do C. gloeosporioides gây ra lớn hơn so với C. capsici. Điều này cho thấy độc lực của C. gloeosporioides cao hơn độc lực của nấm C. capsici. Nấm C. gloeosporioides gây bệnh thán thư trên nhiều loại cây trồng như hồ tiêu, cà chua, đu đủ, xoài, cà phê, cây có múi,… Trong khi C. capsici thường chỉ gây bệnh trên ớt.

Ở cây được bón phân Silicvết bệnh giảm đáng kể so với cây đối chứng không dùng Silic. Phân bón Silic có hiệu quả kháng cả hai loại nấm C. capsiciC. gloeosporioides trên ớt. Tuy nhiên, hiệu quả của Silic đối với nấm C. capsici cao hơn so với nấm C. gloeosporioides. Dưới tác dụng của Silic, diện tích vết bệnh do C. gloeosporioides giảm 75%. Trong khi, ở cây ớt bón phân Silic làm giảm đến 84% vết bệnh do C. capsici.

Dien tich vet benh than thu do nam C.capsici va C.gloeosporioidesgayratrenot

Phân bón Silic còn có hiệu quả kháng bệnh thán thư đã được chứng minh trên các loại cây trồng như dưa chuột, bắp cải, đậu và cà chua.

Xem thêm: Hạn chế bệnh héo rũ do nấm Fusarium nhờ bón phân Silic

                  Bệnh thối rễ trên dưa leo và vai trò của Silic trong hạn chế bệnh hại cây trồng

Nấm Colletotrichum gây bệnh bằng cách xâm nhập trực tiếp vào tế bào cây chủ. Quá trình xâm nhập và lây nhiễm có thể bị ức chế bởi các chất ức chế hóa học trong tế bào thực vật. Các polymer phenolic trong thành tế bào hoạt động như một rào cản, làm cho thành tế bào có khả năng chống lại sự phá vỡ cơ học và enzym tiết ra bởi mầm bệnh.

Nồng độ của hỗn hợp phenolic liên kết thành tế bào ở những cây được bón phân Silic hàm lượng 75 mg/L cao hơn so với quả đối chứng không có Silic. Nồng độ của hỗn hợp phenolic liên kết thành tế bào là 344,7 mg/g ở cây có đầy đủ Silic. Trong khi, nồng độ của hỗn hợp phenolic liên kết thành tế bào nó thấp hơn đáng kể (126,4 mg/g) ở cây đối chứng.

Xem thêm: Tác dụng của phân bón Silic - nguyên tố dinh dưỡng đa năng

3. Dinh dưỡng silic làm chậm thời gian biểu hiện bệnh thán thư

Ở cây ớt được cung cấp đầy đủ Silic có thời gian biểu hiện bệnh chậm hơn so với cây không bón Silic. Các vết bệnh thán thư xuất hiện sớm trên quả (ngày thứ 3 - 4) ở cây đối chứng. Tuy nhiên, các vết bệnh xuất hiện chậm hơn (ngày thứ 5-6) ở những cây được bón Silic ở hàm lượng 75 - 100 mg/L. Tương tự, sự chậm xuất hiện của các vết bệnh thán thư đã được báo cáo trên cây đậu khi sử dụng phân Silic.

Sự phát triển bệnh thán thư trên quả ớt do nấm Colletotrichum gloeosporioides (A) hoặc C. capsici (B) trong điều kiện bón phân Silic ở nồng độ khác nhau.

Hình: Sự phát triển bệnh thán thư trên quả ớt do nấm Colletotrichum gloeosporioides (A) hoặc C. capsici (B) trong điều kiện bón phân Silic ở nồng độ khác nhau.

Xem thêm: Phân bón Silic - giải pháp tăng khả năng kháng bệnh bạc lá sớm cà chua

4. Phân bón Silic kiềm hãm tốc độ phát triển bệnh thán thư

Nhìn chung, tốc độ phát triển bệnh thán thư cao hơn ở cây được bón Silic nồng độ 50 mg/L hoặc cây không được bón phân. Tuy nhiên, tốc độ phát triển vết bệnh chậm hơn đáng kể ở cây có bón phân Silic 75 - 100 mg/L, bất kể nguyên nhân gây bệnh do loại nấm nào. Tác giả Seebold cũng chứng minh tốc độ phát triển bệnh đạo ôn trên lúa giảm khi hàm lượng Silic tăng lên.

Sự phát triển vết bệnh trên quả ớt do nấm C. gloeosporioides sau 10 ngày nhiễm bệnh. (A): quả từ cây không bón Silic (Đối chứng). (B): quả từ cây được bón Silic với 75 mg/L

Hình: Sự phát triển vết bệnh trên quả ớt do nấm C. gloeosporioides sau 10 ngày nhiễm bệnh. (A): quả từ cây không bón Silic (Đối chứng). (B): quả từ cây được bón Silic với 75 mg/L

Độ dày lớp biểu bì của quả từ cây được bón phân Silic là 34,3 µm, lớn hơn đáng kể so với quả của cây không có Si (19,6 µm). Lớp biểu bì dày hơn có thể góp phần làm tăng sức đề kháng của quả bằng cách cản trở sự xâm nhập của mầm bệnh và quá trình phát triển của bệnh. Tác giả B.J, KIM đã chỉ ra độ dày của thành tế bào làm ức chế sự lây nhiễm và giảm tốc độ phát triển bệnh thán thư do C. gloeosporioides gây ra trên quả hồ tiêu.

Xem thêm: Tác dụng của Silic đối với cây trồng trong điều kiện stress mặn, stress hạn

5. Bón phân Silic giai đoạn ra hoa đạt hiệu quả kháng bệnh cao nhất

Hiệu quả của Silic đối với khả năng kháng bệnh thán thư phục thuộc vào thời điểm mà cây được bón phân Silic. Việc xác định giai đoạn sinh trưởng tối ưu để sử dụng phân Silic nhằm tối ưu hóa khả năng ức chế bệnh và tiết kiệm chi phí sản xuất. 

Cây ớt được bón phân Silic với hàm lượng 75 mg/L ở hai giai đoạn (sinh trưởng và ra hoa) làm giảm mức độ nhiễm bệnh khoảng 76%. Tuy nhiên, cây ớt được bón Silic với hàm lượng 75 mg/L ở giai đoạn ra hoa làm giảm mức độ nhiễm bệnh khoảng 71%. Nishimura đã nghiên cứu ảnh hưởng của việc bón Silic trong các giai đoạn sinh trưởng khác nhau của cây lúa và kết luận rằng bón Silic trong giai đoạn sinh sản hiệu quả nhất cho sự phát triển của cây.

Xem thêm: Vai trò của Silic trên lúa và những điều cần biết

Để kiểm soát bệnh thán thư trên quả, việc bón phân Silic ở giai đoạn sinh trưởng (trước khi ra hoa) không có tác dụng tích cực trong việc kháng bệnh thán thư. Đối với cây ớt, giai đoạn sinh dưỡng chỉ kéo dài 4 tuần, ngắn hơn giai đoạn ra hoa kéo dài 10 tuần. Do đó, việc bón Silic cho cây trong thời gian dài hơn (giai đoạn ra hoa) có thể góp phần làm tăng khả năng chống chịu ở quả của cây được xử lý bằng Silic cao hơn. Tuy nhiên, bón phân Silic trong suốt giai đoạn sinh trưởng của ớt, không tạo sự khác biệt đáng kể về hiệu quả giảm bệnh so với chỉ bón giai đoạn sinh trưởng.

Kết luận

Bổ sung phân bón Silic làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh thán thư trên cây ớt do C. capsici C. gloeosporioides gây ra. Sử dụng phân bón Silic trong giai đoạn ra hoa làm giảm tối đa mức độ nghiêm trọng của bệnh thán thư. Nồng độ hợp chất phenolic liên kết thành tế bào và độ dày lớp biểu bì tăng lên ở cây ớt được bón phân Silic là cơ chế kiểm soát và ức chế bệnh thán thư trên cây ớt.

Funo cung cấp sản phẩm CYTOSICA với thành phần Silic, Canxi, Magie nồng độ cao được nhập khẩu từ Tây Ban Nha. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ 0911 3111 00 để được tư vấn chi tiết và miễn phí.