Cách bón phân hữu cơ vi sinh cho năng suất cao nhất

Biên tập bởi Đăng 2 năm trước6,3790

Bà con nông dân đang gặp tình trạng bón phân hữu cơ vi sinh chưa hiệu quả, nghi ngờ rằng việc lựa chọn phân bón chưa đúng hoặc bón phân sai quy trình. Hôm nay, chuyên gia FUNO với hơn 10 năm kinh nghiệm sẽ hướng dẫn 2 cách bón phân hữu cơ vi sinh cho năng suất cao nhất.

Phân bón hữu cơ vi sinh (HCVS) là loại phân bón được sản xuất bằng cách lên men các vật chất hữu cơ với một hoặc một số chủng vi sinh vật có lợi trong nông nghiệp, giúp cải tạo đất trồng, tăng độ màu mỡ cho đất, hạn chế rửa trôi chất dinh dưỡng, ức chế các loại nấm bệnh và đặc biệt không gây ô nhiễm cho môi trường. Phân HCVS còn có thể được bổ sung thêm thành phần khoáng đa trung vi lượng nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Tùy vào nhu cầu và mục đích, có 2 cách bón phân hữu cơ vi sinh phổ biến là bón lót hoặc bón thúc.

1. Phương pháp bón lót phân hữu cơ vi sinh

Về bản chất thì bón lót nhằm cải thiện cấu trúc đất tại ví trí trồng (tăng độ tơi xốp, hàm lượng chất hữu cơ,...) và cung cấp nguồn dinh dưỡng kịp thời cho cây trong giai đoạn mới trồng, tạo cho cây một nền tảng phát triển khỏe mạnh, vững chắc ngay từ thời kỳ đầu.

phân hữu cơ vi sinh

Phân hữu cơ vi sinh dạng bột

1.1. Thời điểm bón lót

Bón lót bằng phân HCVS thường được thực hiện trước khi trồng tối thiểu từ 2 - 3 tuần, trong quá trình làm đất, để có thời gian kích hoạt các vi sinh vật có lợi và tiếp tục phân giải các chất hữu cơ thành nguồn dinh dưỡng cho đất và cây trồng.

1.2  Liều lượng bón lót phân HCVS

Công dụng chính của phân HCVS là cải tạo độ tơi xốp và màu mỡ cho đất, vì vậy, tùy vào kết cấu đất trồng, mùa vụ trong năm và loại cây trồng mà chúng ta sử dụng lượng phân bón phù hợp để tối ưu chi phí và hiệu quả sử dụng phân bón.

Cây trồng ngoài đồng ruộng, diện tích lớn: 

  • Liều lượng thông thường là từ 1 - 3 tấn/ha hoặc 2 - 3kg/gốc
  • Đối với các loại đất nghèo hữu cơ, chất đất nặng, nhiều sét hoặc đất cát có thể bón lượng nhiều hơn. Còn với các loại đất thịt nhiều mùn có thể bón ít hơn.

Cây trồng trong bồn, chậu hoặc vật chứa:

  •  Sử dụng từ 50 - 200g tùy vào kích thước chậu

1.3  Cách bón lót phân HCVS: 

Với rau, hoa cắt cành hoặc các cây hàng năm khác:

  • Bước 1: Rải đều phân HCVS trên bề mặt đất cần gieo trồng
  • Bước 2: Sau đó, cày xới để trộn đều phân vào đất hoặc phủ 1 lớp đất khác
  • Bước 3: Tưới giữ ẩm cho đến khi trồng

bón lót bằng phân hữu cơ vi sinhRải phân hữu cơ vi sinh lên bề mặt đất cần gieo trồng

Với cây lâu năm

  • Bước 1: Đào hố kích thước  60x60x60cm hoặc 80x80x80cm rồi cho phân HCVS cùng các loại phân lót khác vào hố cùng 1/2 lượng đất mặt
  • Bước 2: Trộn đều phân và đất
  • Bước 3: Cào nốt lượng đất mặt còn lại để lấp miệng hố và san phẳng
  • Bước 4: Tưới giữ ẩm cho đến khi trồng

1.4    Lưu ý khi bón lót phân HCVS

Đối với các loại phân HCVS, vi sinh vật có lợi cần độ ẩm để kích hoạt và phát triển, vì vậy sau khi bón, nên tưới giữ ẩm để đạt hiệu quả cao nhất.

2. Phương pháp bón thúc phân hữu cơ vi sinh

Bón thúc nhằm cung cấp và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và kịp thời cho cây trồng vào các giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhằm đem lại sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao.

2.1. Thời điểm bón thúc

Thông thường, bón thúc được chia thành 3 lần tương ứng với 3 giai đoạn phát triển chính của cây trồng:

  • Thời kỳ sinh trưởng (đâm chồi, tạo nhánh)
  • Chuẩn bị ra hoa
  • Nuôi dưỡng củ, quả, hạt

2.2. Liều lượng bón thúc phân HCVS

Liều lượng phân bón HCVS dùng cho bón thúc tùy thuộc vào loại phân, thành phần dinh dưỡng khoáng và loại cây trồng mà sử dụng khác nhau. 

VD: Với các dòng phân HCVS dạng viên nén / bột có chứa sẵn khoáng NPK (đạm, lân, kali) có thể tham khảo liều lượng như sau:

LOẠI CÂY LIỀU LƯỢNG
Rau màu (cà chua, khoai tây, hành tây, bắp cải,…) 250 – 300 kg/ha, chia ra 2 – 3 lần theo các giai đoạn phát triển của cây
Hoa cắt cành (cúc, đồng tiên, lay ơn, hoa hồng,…) 250 – 300 kg/ha, chia ra 2 – 3 lần theo các giai đoạn phát triển của cây
Cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, cao su,…) 0.5 – 1.5 kg/cây vào các giai đoạn trước khi phát chồi, ra hoa và sau khi thu hoạch
Cây ăn quả (sầu riêng, măng cụt, nhãn, cam, quýt,…) 0.5 – 1.5 kg/cây vào các giai đoạn trước khi phát chồi, ra hoa và sau khi thu hoạch
Cây kiểng, hoa chậu 50g – 100g tùy đường kính chậu

2.3.  Cách bón thúc phân HCVS

  • Với phân dạng viên: có thể bón bằng cách rải đều trên đất hoặc rải theo hàng, vòng quanh tán đối với cây ăn quả.
  • Với phân dạng nước: có thể hòa nước tưới gốc hoặc phun lên lá

bón thúc cho cây ăn quả
Cách bón thúc vòng quanh tán cho cây ăn quả

2.4. Lưu ý khi bón thúc

  • Với các phân HCVS có chứa thành phần NPK, cần cân đối liều lượng tùy theo nhu cầu dinh dưỡng của cây, tránh bón quá nhiều có thể gây cháy rễ hoặc bón quá ít khiến cây thiếu dinh dưỡng.
  • Nếu phân HCVS không có sẵn NPK, cần phối hợp với các loại phân khoáng khác để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây trồng.
  • Sau khi bón phân HCVS, nếu có thể nên tạo môi trường ẩm, mát (ví dụ phủ rơm, rạ,…) để tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển tốt hơn.

3. Lưu ý chung khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh

Bản chất của phân hữu cơ vi sinh là tồn tại rất nhiều vi sinh vật có lợi ở dạng tiềm sinh (một kiểu giống như ngủ đông), vì vậy cần lưu ý:

  • Tạo môi trường ẩm mát để vi sinh vật có trong phân bón HCVS được kích hoạt và phát triển tốt
  • Không nên phối trộn chung với các loại thuốc bảo vật thực vật có hoạt chất kháng nấm vì có thể ức chế hoạt động của vi sinh vật, làm giảm hiệu quả phân HCVS
  • Khi chưa sử dụng hoặc không dùng hết, cần bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp

Trên đây là 2 cách bón phân hữu cơ vi sinh mang lại hiệu quả cao. Nhìn chung để sử dụng phân bón HCVS đúng quy trình kỹ thuật và đủ liều lượng tốt cho cây trồng thì bà con cần hiểu rõ về nhu cầu của mỗi loại cây trồng, thời điểm chăm bón. Có như vậy mới có thể sử dụng phân bón sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh sẽ là biện pháp hữu hiệu để cải tạo đất trồng cũng như phát triển việc trồng trọt một cách bền vững.