Phân DAP là một trong những loại phân được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Hàm lượng dinh dưỡng tương đối cao và một số ưu điểm như: hạn chế sự chai sạn đất, phân giải chậm giúp hạn chế tình trạng thất thoát dinh dưỡng,… Vì vậy, loại phân này được nhiều nông dân ưa chuộng.
1. Phân bón DAP là gì?
Phân bón DAP có tên đầy đủ là Diamonimum Phosphate. Loại phân này có giá trị dinh dưỡng cao và thường được sử dụng trong giai đoạn phát triển của nhiều loại cây trồng.
Phân DAP có 2 loại phổ biến:
– DAP 18-46 tương ứng là 18% đạm (Nitơ) và 46% lân (P2O5)
– DAP 21-53 tương ứng là 21% đạm và 53% lân.
2. Phân DAP được sản xuất như thế nào?
Phân DAP lần đầu tiên được sản xuất vào năm 1960 và nhanh chóng trở thành phân bón phổ biến nhất. Phân bón này được tạo ra từ phản ứng của axit photphoric (H3PO4) với amoniac (NH3).
Hiện nay, phân bón DAP được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là quặng apatit Lào Cai – là vùng quặng photphat tại Việt Nam có trữ lượng lớn và chất lượng hàng đầu thế giới.
3. Lợi ích của phân DAP đối với cây trồng
Có giá trị dinh dưỡng cao cho nhiều loại cây
Lân và đạm là hai loại dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng. Trong phân bón DAP có hàm lượng dinh dưỡng cao 18% đạm và 46% lân, rất thích hợp bón cho các loại cây trồng trong giai đoạn cần nhiều lân và đạm, đặc biệt là giai đoạn cây con, cây còi cọc, kém phát triển. Phân DAP cũng rất phù hợp để bón lót chuẩn bị cho mùa vụ mới bội thu.
Tiết kiệm công sức và chi phí cho người nông dân
Phân DAP được sản xuất ở Việt Nam, có bổ sung thêm khoáng chất giúp hàm lượng dinh dưỡng trong phân được phân giải từ từ, hạn chế tình trạng rửa trôi và thất thoát dinh dưỡng, giúp tiết kiệm chi phí cho người nông dân.
Bên cạnh đó, phân này chứa hai chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng giúp người nông dân tiết kiệm thời gian và công sức thay vì sử dụng từng loại phân bón đơn lẻ.
Hạn chế tác động tiêu cực, chai sạn và thoái hóa đất
Nếu như các loại phân đơn có tính kiềm hoặc tính axit thì phân DAP có độ pH trung tính. Vì thế phân DAP ít gây ảnh hưởng đến tính chất của đất và các sinh vật sống trong đất. Phân có hàm lượng lân cao, nên thích hợp sử dụng cho các vùng đất phèn, đất bazan.
Phân này có thể bón trực tiếp cho nhiều loại cây như: cây lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn,…) đến cây công nghiệp (cà phê, hạt tiêu…), cây ăn quả, hoa cắt cành, cây cảnh… Bên cạnh đó, dinh dưỡng trong phân bón DAP tan trong nước, không có tạp chất gây chai cứng đất như các loại phân khác nên ít gây hại cho đất.
Giúp cây chống lại sâu bệnh và khỏe mạnh hơn
DAP giàu lân nên giúp cây trồng tăng khả năng chống chọi với thời tiết, đặc biệt là chịu rét tốt hơn. Hàm lượng lân trong phân DAP cũng giúp cây trồng cứng cáp, tăng sức đề kháng và hạn chế sâu bệnh.
4. Lưu ý khi sử dụng phân DAP
Phân DAP là loại phân có giá trị dinh dưỡng cao, tuy nhiên nếu bón phân không hợp lý sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ như: ngộ độc lân, trái sần sùi, màu xanh đậm, cây có múi có cùi dày, múi ít nước, màu sắc của trái bị đen, trái không có độ bóng, độ ngọt.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng phân bón DAP:
DAP không được sử dụng để gần rễ vì việc giải phóng amoni, chuyển hóa thành amoniac (trong điều kiện pH>7) có thể gây hại cho cây con và rễ. Để tránh tình trạng cây con bị hỏng, cần tránh bón phân DAP nồng độ cao gần hạt nảy mầm hoặc cây con.
Nếu mong muốn cây trồng đạt năng suất cao thì lượng phân bón sử dụng cần đầy đủ và hợp lý. Một số cây như: rau, quả, chè, mía và thuốc lá cần nhiều lân hơn so với các loại đậu và ngũ cốc.
Nên tiến hành phân tích đất để kiểm tra đặc tính đất và đo lường lượng phân bón có sẵn trong đất. Từ đó, người nông dân sẽ cung cấp lượng phân bón vừa đủ cho cây trồng, giúp tiết kiệm chi phí và hạn chế tình trạng ngộ độc phân bón.