PHÂN MAP KẾT HỢP NẤM RỄ MYCORRHIZA CHO BÔNG CẢI XANH NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG

Biên tập bởi Hoàng MiĐăng 2 năm trước2,1020

Bông cải xanh là một loại rau phổ biến trên khắp thế giới bởi có giá trị dinh dưỡng cao và các hợp chất chống oxy hóa mạnh. Sự hình thành và phát triển của cụm bông cải chịu tác động nhiều bởi phân lân. Lân được coi là chất dinh dưỡng quan trọng trong các quá trình sinh lý và sinh hóa khác nhau và việc bổ sung lân giúp cải thiện năng suất, chất lượng bông cải.

Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá nguồn phân bón lân tốt nhất cho bông cải xanh như: đá photphat (apatit) ở 428 kg/ha; supe lân (670 kg/ha) và monoammonium phosphate (MAP) ở 334 kg/ha. Các loại lân trên được kết hợp với phân bón sinh học (nấm rễ Mycorrhiza) để đánh giá hiệu quả của vi sinh vật về việc phân giải lân.

Phân bón sinh học (nấm rễ Mycorrhiza) có tác dụng hòa tan lân, cải thiện sự hấp thụ lân của cây trồng. Các chức năng hữu ích của nấm rễ nhờ vào việc cải thiện các đặc tính hóa lý của đất, tăng cường diện tích bề mặt rễ, duy trì độ phì nhiêu của đất, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng.

Các nguồn phân lân ảnh hưởng đến sự phát triển bông cải xanh

Các tiêu chí dùng để đánh giá mức độ phát triển sinh dưỡng của bông cải xanh bao gồm: số lượng lá/cây; diện tích lá; trọng lượng tươi của lá/cây và trọng lượng khô của lá/cây. Kết quả cho thấy phân monoammonium phosphate (MAP) có hiệu quả nhất đối với tất cả các thông số được nghiên cứu và đối với cả hai mùa vụ.

Mặt khác, việc bón thêm nấm rễ Mycorrhiza cho thấy sự cải thiện đáng kể đối với ba loại phân lân ở tất cả các thông số sinh dưỡng được thử nghiệm. Vậy sự kết hợp giữa phân MAP và Mycorrhiza đã mang lại sự phát triển tốt nhất cho cả hai mùa.

Ngược lại, các giá trị thấp nhất của các thông số sinh trưởng trong trường hợp cây được bón bằng phân apatit và không kết hợp với chế phẩm nấm rễ.

Các nguồn phân lân ảnh hưởng đến năng suất bông cải xanh

Năng suất trồng trọt được đánh giá qua các thông số: khối lượng bông; tổng sản lượng và đường kính bông cải. Phân bón MAP vẫn cho năng suất cao nhất so với việc bón các loại phân khác và phân apatit có năng suất mùa vụ thấp nhất.

Nguồn phân lân Khối lượng bông cải (g) Tổng sản lượng (tấn/ha) Đường kính bông cải (cm)
Đá apatit 517 24.5 20.1
Supe lân 529 25.17 20.3
MAP 581 27.67 23.5

Sử dụng phân bón sinh học cho cây súp lơ xanh giúp cải thiện tất cả các thông số năng suất ở ba loại phân trên. Sử dụng kết hợp MAP và Mycorrhiza cho năng suất cao nhất về cả khối lượng bông; tổng sản lượng và đường kính bông cải.

Các nguồn phân lân ảnh hưởng đến thành phần hóa học của lá

Hàm lượng dinh dưỡng đa lượng và tổng hàm lượng carbohydrate trong lá bông cải xanh bị ảnh hưởng bởi các nguồn lân khác nhau. Trong đó, những cây bông cải được bón phân MAP có hàm lượng đạm (1.79%), lân (0.304%), kali (1.54%) và tổng sổ carbohydrate (14.97%) cao nhất, so với những cây được cung cấp lân từ quặng apatit: đạm (1.51%), lân (0.254%), kali (1.35%) và tổng số carbohydrate (13.29%).

Hơn nữa, việc bón thêm phân sinh học chứa nấm Mycorrhiza đều làm tăng chất dinh dưỡng đa lượng và tổng hàm lượng carbohydrate. Đặc biệt, khi MAP bón cùng phân sinh học sẽ đạt giá trị dinh dưỡng và carbohydrat cao nhất 

Các nguồn phân lân ảnh hưởng đến chất lượng của bông cải xanh

Chất lượng bông cải xanh bị ảnh hưởng bởi nguồn lân được chọn. Do đó, tổng hàm lượng chất rắn hòa tan (TSS), axit ascorbic, tổng số phenol là cao nhất khi sử dụng MAP. 

Về thử nghiệm phân bón sinh học, cấy nấm Mycorrhiza mang lại giá trị tổng thể cao nhất cho các thông số được kiểm tra. Do đó, để đạt chất lượng bông cỉa tốt, bà con nông dân nên kết hợp MAP và chế phẩm sinh học Mycorrhiza.

Mặt khác, các giá trị tổng thể thấp nhất cho hầu hết các thông số chất lượng ở ruộng bón đá apatit và không sử dụng phân bón sinh học.

PHÂN MAP KẾT HỢP NẤM RỄ MYCORRHIZA CHO BÔNG CẢI XANH NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG

Kết luận

Lân bón vào đất nhanh chóng bị cố định hoặc kết tủa làm thiếu dạng lân có sẵn cho cây trồng hấp thu. Tuy nhiên, các loại phân lân gần đây chứa nhiều ion lân, sẵn sàng cung cấp cho cây trồng, như monoamoni photphat (MAP), monopotassium photphat (MPK) và polyphotphat, đặc biệt là đối với những cây trồng có chu kỳ sinh trưởng ngắn như rau. 

Trong nghiên cứu này, việc sử dụng MAP như một nguồn lân tối ưu, nâng cao các thông số sinh trưởng sinh dưỡng, năng suất và chất lượng bông cải xanh, so với các nguồn lân khác được khảo sát.

Hiệu quả của phân MAP là do khả năng hòa tan cao và sẵn có của lân trong phân bón, hàm lượng lân cao (61% P2O5);. khả năng hòa tan trong nước (365 g/L ở 20°C) và giá trị pH (4,0 đến 4,5). Độ pH của dung dịch có tính axit vừa phải, làm cho MAP trở thành một loại phân bón thích hợp hơn trong đất trung tính và kiềm. 

Hơn nữa, MAP chứa khoảng 12% đạm amoni (NH4+), ít bị rửa trôi so với dạng nitrat. Ngoài ra, việc giảm độ pH trong vùng rễ bằng cách sử dụng nitơ amoni có thể làm tăng sự hòa tan của các kết tủa canxi-lân và do đó tăng cường khả năng cung cấp và hấp thụ lân của cây trồng. 

Phân bón sinh học (nấm rễ Mycorrhiza) cũng có vai trò trong việc cải thiện cấu trúc của đất; tăng cường khả năng hấp thụ nước, các nguyên tố dinh dưỡng từ đất bằng cách tăng diện tích rễ; hoạt hóa và bài tiết các enzym khác nhau từ rễ cây và sợi nấm; sự gia tăng nồng độ của các hormone nội sinh (gibberellin và auxin) thúc đẩy sự phát triển của cây.

Kết quả của nghiên cứu này cho thấy MAP là nguồn photpho hiệu quả nhất, đặc biệt là khi kết hợp với nấm Mycorrhiza. Vì vậy, việc sử dụng phân bón sinh học và các nguồn lân hợp lý là một biện pháp canh tác bền vững và hiệu quả về mặt năng suất, chất lượng, kinh tế và môi trường.