7 TÁC DỤNG CỦA SILIC ĐỐI VỚI CAM, QUÝT, BƯỞI,…NHÀ NÔNG CẦN BIẾT

Biên tập bởi Hoàng MiĐăng 2 năm trước3,7500

Cây có múi là cây ăn quả chính, có vai trò kinh tế quan trọng ở nước ta. Việc gia tăng năng suất, cải thiện chất lượng quả, từ đó nâng cao giá trị kinh tế cho nhà nông. Phân bón Silic là loại phân bón đa năng, có nhiều vai trò trong giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng, sinh sản ở cây có múi. Cùng Funo.vn tìm hiểu tác dụng của Silic đối với cam, quýt, bưởi,…

1. Phân bón Silic làm tăng khả năng sinh trưởng, phát triển ở cây có múi

Sự phát triển sinh dưỡng của cây có múi được đánh giá qua các chỉ số như: chiều dài và đường kính chồi; (số lá và diện tích lá) trên mỗi chồi (chiều cao cây, đường kính và thể tích tán cây).

  Chiều dài chồi (cm) Đường kính chồi (cm) Số lá/chồi Diện tích lá trung bình (cm2) Chiều cao cây (m) Đường kính cây (m) Thể tích tán cây (m3)
        Không bón phân Silic 21.3 5.8 8.33 29 3.37 2.75 13.35
Bón phân Silic  28.8 6.94 11.5 35.9 3.73 3.22 20.26

(Theo Fatma, 2017)

Sử dụng phân bón Silic làm tăng khả năng sinh trưởng của cây cam, quýt. Vai trò của Silic đối với khả năng sinh trưởng và phát triển của cây được lý giải rằng Silic giúp cây tăng khả năng quang hợp và phát triển hệ thống rễ. Phân bón Silic làm thay đổi hình thái phân nhánh của rễ. Ở cây không được cung cấp Silic, hệ thống rễ rất đơn giản. Khi nồng độ Silic tăng lên, rễ phân nhánh nhiều hơn. 

tác dụng của Silic đối với cam quýt - kích thích rễ

2. Vai trò của Silic trong việc ngăn ngừa bệnh hại trên cam, quýt

Cây có múi bị ảnh hưởng nhiều bởi nấm bệnh, làm giảm đáng kể năng suất và chất lượng cây trồng. Tổn thất sau thu hoạch do nấm bệnh của cây có múi ước tính lên đến 50%. Các loại bệnh trước thu hoạch thường gặp ở loại cam, quýt là: bệnh đốm lá do Alternaria Alternata và bệnh thối nâu do Phytophthora gây ra cũng như bệnh sau thu hoạch là bệnh mốc xanh (Penicillium digitalatum),…

Bệnh thối rễ do nấm Phytophthora ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của cây ở các giai đoạn phát triển khác nhau và đặc biệt gây hại trên cây non. Bệnh thối gốc và thối rễ gây ra sự suy giảm nghiêm trọng về năng suất do lá úa, rụng lá; cành cây bị chết; quả thối và rụng,… Phân bón Silic có hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh thối rễ do Phytophthora melonis thông qua việc gia tăng các hoạt động chống oxy hóa.

Alternaria Alternata là tác nhân gây bệnh đốm nâu, một bệnh nấm phổ biến ở hầu hết các vùng trồng cây có múi ẩm ướt. Sử dụng thuốc diệt nấm Alternaria rất khó thực hiện vì rất khó dự đoán khi nào bệnh xảy ra do thời gian ủ bệnh ngắn, thay đổi từ 24 giờ đến 120 giờ. Lá của cây quýt được bón phân Silic trong 3 tháng đã làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh đốm nâu A. Alternata so với cây đối chứng (không được bón phân Silic).

Bệnh mốc xanh (Penicillium digitatum) có thể gây ra thiệt hại hàng năm lên đến 90% tổng số tổn thất sau thu hoạch của cây có múi. Mầm bệnh này cư trú trên trái và xâm nhập vào trái thông qua vết thương trong quá trình thu hoạch, vận chuyển và bảo quản. Bệnh này được điều trị bằng cách sử dụng thuốc diệt nấm thuộc các nhóm imazalil, benomyl, benzimidazole và thiabendazole. Tuy nhiên, việc sử dụng thường xuyên các hóa chất này có thể làm giảm an toàn thực phẩm và tăng khả năng kháng thuốc của nấm. Việc sử dụng phân bón lá Silic thường xuyên, đặc biệt trước khi thu hoạch có thể kiểm soát bệnh P. digitatum ở các loài cam, quýt, bưởi,…

Tác dụng của Silic đối với cam, quýt, bưởi hàng rào bảo vệ

Hình: Bề mặt biểu bì dưới ánh sáng ở độ phóng đại ( A ) 40× và ( B ) 100×

Hình bên trái: Cây được bón phân Silic có hạt Silica và lớp Silica trên lớp bề mặt biểu bì như hàng rào vật lý và bảo vệ cơ học tránh sự xâm nhập của nấm, vi khuẩn do đó làm giảm nhiễm trùng.

Hình bên phải: Cây không được bón phân Silic nên không có lớp bảo vệ Silica.

Xem thêm: Tác dụng của phân bón Silic - nguyên tố dinh dưỡng đa năng

3. Tác dụng của Silic trong hạn chế stress phi sinh học

Giảm hấp thu Na+ là cơ chế chống chịu stress mặn ở cây trồng. Khi sử dụng phân bón Silic, cây trồng giảm hấp thu Na+, tăng hấp thu K+, làm tăng tỷ lệ K+/Na+. Trong điều kiện stress mặn, cây được bón phân Silicat Kali giúp gia tăng đáng kể hàm lượng diệp lục lá. Về số lượng quả, người ta nhận thấy rằng, cây được xử lý bằng Silicat Kali tăng số lượng quả, trọng lượng quả so với xử lý đối chứng (không được bón phân Silic).

Phản ứng của cây cam trong điều kiện stress muối khi được bón phân Silic qua lá 

Hình: Phản ứng của cây cam trong điều kiện stress muối khi được bón phân Silic qua lá 

Xem thêm: Sử dụng đạm Amoni giúp tăng khả năng chịu mặn ở cây có múi

Ngoài ra, việc ứng dụng Silic đã tăng nồng độ chất diệp lục, tăng khả năng quang hợp, từ đó cải thiện khả năng sinh trưởng dưới điều kiện stress hạn.

Nhiệt độ thấp là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sản xuất cây có múi. Việc bón phân Silic giúp tăng chiều cao cây từ 14% - 41% và thúc đẩy sự phát triển của cành cây từ 31% - 48% trong 6 tháng ở điều kiện nhiệt độ thấp.

4. Phân bón Silic làm cải thiện năng suất cây cam, quýt

Tỷ lệ đậu và giữ trái được cải thiện đáng kể ở cây có múi khi cây được bổ sung dinh dưỡng Silic đầy đủ. Bên cạnh đó, Silic còn giúp tăng số lượng trái, trái to mang lại mùa màng bội thu. Tác dụng cải thiện năng suất ở cây cam, quýt có thể là do tăng hiệu quả quang hợp, cải thiện đặc tính sinh trưởng, giảm stress phi sinh học và hạn chế nấm bệnh.

  Tỷ lệ đậu trái (%) Tỷ lệ giữ trái (%) Số lượng trái/cây Khối trọng trái/cây (Kg) Năng suất/4200m2 (tấn)
Không bón phân Silic 17.63 9.89 211.91 41.42 9.65
Bón phân Silic 18.4 12.71 242 84.38 19.66

(Theo Fatma, 2017)

Xem thêm: Ảnh hưởng của phân Lân đến chất lượng quả ở cây có múi

5. Cây cam, quýt tăng chất lượng quả nhờ bón phân Silic

Sử dụng phân bón Silic thường xuyên không chỉ duy trì khả năng sinh trưởng, tăng năng suất mà còn nâng cao chất lượng quả, từ đó gia tăng giá trị nông sản cho người nông dân. Quả được cung cấp dinh dưỡng Silic có kích thước to hơn, nặng hơn và cứng chắc hơn.

  Trọng lượng quả (g) Thể tích quả (cc) Chiều cao quả (cm) Đường kính quả (cm) Chỉ số hình dạng Trọng lượng nước (g) Độ dày vỏ (mm) Độ cứng
         Không bón phân Silic 191.67 7.4 7.1 1.042 101.7 4.43 15.21  
Bón phân Silic 327.8 8.3 8.2 1.012 166.7 6.07 18.64  

(Theo Fatma, 2017)

tác dụng của silic đối với cam quýt - tăng năng suất, chất lượng

Xem thêm: Bón bao nhiêu phân Kali để tăng chất lượng quả ở cây có múi

6. Tác dụng của Silic đối với hiện tượng nứt trái ở cam quýt

Hiện tượng nứt quả xảy ra ở hầu hết các cây cam, quýt, bưởi,…với tỷ lệ khoảng 10% - 35%. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.

Độ dày và độ cứng của vỏ quả là những chỉ số quan trọng để đo độ bền của quả. Vỏ quả càng dày thì khả năng bị nứt cũng thấp hơn. Dinh dưỡng Silic giúp mô cứng chắc, kích thích tổng hợp lignin – thành phần cấu tạo của thành tế bào. Sử dụng phân bón Silic đã được chứng minh là giúp vỏ quả dày và cứng chắc hơn. 

Thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn hình thành trái sẽ gây ra các rối loạn trong sự hình thành và phát triển của vỏ trái. Khi vỏ trái phát triển không đầy đủ, dưới sự kích thích từ môi trường bất lợi bên ngoài sẽ làm vỏ trái dễ bị nứt. Tỷ lệ nứt quả giảm đáng kể khi cung cấp đầy đủ dinh dưỡng: Kali (K), Canxi (Ca), Bo (B)Kẽm (Zn) trong thời kỳ nuôi trái.

Xem thêm: 4 tác dụng của phân Canxi Bo đối với cây trồng, người nông dân cần biết

Kali duy trì áp suất thẩm thấu, cung cấp năng lượng cho quá trình phân chia, mở rộng thành tế bào, đẩy nhanh sự phát triển của tế bào. Canxi có chức năng liên kết với pectin có trong thành tế bào, duy trì sự ổn định của cấu trúc thành tế bào. Kẽm có vai trò trong việc tăng sự mở rộng của tế bào và thúc đẩy sự phát triển của quả. Dinh dưỡng Bo đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phân chia tế bào và tổng hợp thành tế bào, duy trì độ dẻo dai của thành tế bào.

Phân bón Silic thường được cung cấp dưới dạng Canxi Silic hoặc Kali Silic. Bên cạnh đó, trung lượng Silic cũng làm tăng sự hấp thu của Canxi, Kali, Kẽm. Vì vậy, bón phân Silic cũng gián tiếp hạn chế hiện tượng nứt trái ở cây có múi.

Xem thêm: Phân bón Silic CYTOSICA

Phân Silic cần được bón cho cây trước khi nở hoa, để cây có thời gian hấp thụ các chất dinh dưỡng và di chuyển các thành phần thiết yếu đến các chồi đang phát triển. Sau đó nên theo dõi cây để điều chỉnh việc bón phân hỗ trợ cho giai đoạn nuôi trái.

Tác dụng của Silic đối với cam, quýt, bưởi chống nứt trái

7. Trung lượng Silic cải thiện khả năng hấp thu dinh dưỡng ở cây có múi

Sử dụng phân bón Silic giúp tiết kiệm chi phí sản xuất cho nhà nông. Phân bón Silic làm tăng hiệu quả sử dụng các dinh dưỡng đa, trung lượng (N, P, K, Mg, Si) và vi lượng (Fe, Zn, Mn, Cu). Điều này có thể lý giải bởi Silic có khả năng kích thích sự kéo dài của rễ bên, làm tăng tổng diện tích bề mặt rễ và do đó làm tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và nước.

  N (%) P (%)           K (%)           Si (%)           Mg (%)           Fe (ppm)           Zn (ppm)           Mn (ppm)           Cu (ppm)

Không bón phân Silic

 

2.66 0.143 1.4 1.11 0.33 187.1 35.36 29.56 13.52
          Bón phân Silic 2.97 0.18 2.33 1.41 0.73 235.13 36.16 42.4 19.51

(Theo Fatma, 2017)

Xem thêm: Bổ sung Silic làm giảm tác hại do mất cân bằng dinh dưỡng Lân

Kết luận

Tác dụng của Silic đối với cam, quýt, bưởi,… bao gồm: tăng khả năng sinh trưởng sinh dưỡng, phòng ngừa nấm bệnh, hạn chế tác hại của tác động môi trường, tăng năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm. Trung lượng Silic có nhiều vai trò trong suốt quá trình sinh trưởng đến sinh sản của cây. Vì vậy, phân bón Silic cần được sử dụng thường xuyên cho mùa màng bội thu.

Funo cung cấp sản phẩm CYTOSICA với thành phần Silic, Canxi, Magie nồng độ cao được nhập khẩu từ Tây Ban Nha. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ 0911 3111 00 để được tư vấn chi tiết và miễn phí.