Hướng dẫn kỹ thuật tưới nước cho cây sầu riêng

Biên tập bởi [email protected]Đăng 2 tháng trước1,1550

Người xưa có câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để nói về vai trò quan trọng của nước trong trồng trọt. Tưới nước đúng kỹ thuật có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây. Tùy theo điều kiện cụ thể mà nhu cầu nước tưới và biện pháp tưới khác nhau. Trong bài viết này, Funo xin chia sẻ đến quý bà con nông dân kỹ thuật tưới nước cho cây sầu riêng. 

 

1) Vai trò của nước đến sự phát triển của sầu riêng

Nước chiếm 90% khối lượng chất nguyên sinh (chất sống giúp hình thành tế bào). Mất nước hoạt động sống của cây sẽ bị suy giảm. Sau đây là những vai trò của nước đối với sự phát triển của sầu riêng: 

  • Thiếu nước giai đoạn mắc cua, nuôi trái làm mắt cua bị đen, trái bị chai
  • Giúp hòa tan các chất dinh dưỡng có trong đất và phân bón để rễ cây có thể dễ dàng hấp thụ.
  • Phương tiện vận chuyển khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác từ bộ phận này của cây sang bộ phận khác.
  • Dung môi cho các phản ứng, vừa tham gia trực tiếp vào các phản ứng biến đổi chất trong cây. 
  • Nguyên liệu cần thiết cho quá trình quang hợp của cây.
  • Cung cấp áp suất thích hợp cho các mô của cây, giúp duy trì độ cứng và cấu trúc các bộ phận của cây.
  • Điều hòa nhiệt độ và làm mát cây.

2) Nhu cầu nước tưới của sầu riêng qua từng giai đoạn 

a) Giai đoạn cây con

Sầu riêng con cần lượng nước vừa đủ để duy trì độ ẩm cho cây; đặc biệt trong vòng 45 ngày đầu mới trồng. Nếu thiếu nước, cây có thể chết héo. Thừa nước rễ không phát triển được, thối và chết.

Ở giai đoạn trồng mới này, yêu cầu về độ ẩm của cây sầu riêng là 65-80% độ ẩm tối đa. Bà con cần ủ gốc, tưới nước kịp thời và đầy đủ để giữ ẩm cho cây.

Lượng nước tưới thông thường là 20-30 lít/cây. Tưới nước đúng cách giúp cây con nhanh bén rễ và sinh trưởng tốt.

b) Giai đoạn cây ra hoa

Để cây sầu riêng ra hoa, bà con cần xiết nước, tạo khô hạn từ 10-15 ngày cho đến khi cây chuyển hóa mầm hoa hình thành mắt cua. 

Trong thời gian xiết nước, nếu đất khô và cây có dấu hiệu héo nhưng chưa ra mầm hoa hoa thì tưới nhẹ một lần để giữ ẩm (lượng nước tưới bằng 1/3 lượng thông thường). Sau đó, bà con tiếp tục xiết nước.

Khi mắt cua sáng và dài khoảng 1-2cm, bà con tưới nước lại. Khi tưới nước cần tưới từ từ và đều từ ngoài vào trong cho đến khi nước vừa chảy qua mặt đất. Ưu tiên tưới nước dưới tán vì có nhiều rễ tơ hút nước.

Sau khi tưới khoảng 2-5 ngày, khi lớp đất mặt bắt đầu khô, bà con tưới thêm lần nữa, tuyệt đối không tưới quá nhiều trong một lần, tránh gây sốc nước. 

Vào thời điểm 1 tuần trước khi hoa nở, bà con cần giảm 2/3 lượng nước ở mỗi lần tưới (chu kỳ tưới giữ nguyên) để giúp hạt phấn khỏe có khả năng thụ phấn, đậu quả tốt.

c) Giai đoạn cây cho quả

Khi cây đậu quả, bà con tăng dần lượng nước tưới đến mức bình thường trở lại, đặc biệt trong thời kỳ quả lớn nhanh yêu cầu độ ẩm cao khoảng 70-90%. Nếu không được cung cấp đủ độ ẩm cây sẽ bị rụng quả.

Ở thời kì quả chín, nhu cầu độ ẩm của cây thấp (50-60%), bà con không nên tưới quá nhiều nước vì làm giảm chất lượng quả.

3) Xác định độ ẩm của đất phù hợp với nhu cầu của cây

Cây sầu riêng bị thiếu nước lá thường khô, màu lá xanh nhạt và không phát triển tốt. Vì vậy, bà con cần kiểm tra độ ẩm đất thường xuyên để chắc chắn rằng cây nhận đủ lượng nước cần thiết.

Bà con có thể sử dụng máy đo độ ẩm hoặc dùng que đâm xuống đất để kiểm tra. Nếu que khô tức là trong đất thiếu nước, cần bổ sung ngay.

Bà con sử dụng rơm hoặc cỏ khô phủ kín mô đất một lớp dày 10-20cm, cách gốc 10-50cm tùy theo cây lớn hay nhỏ để giữ ẩm cho đất. 

May-do-do-am-cua-dat.jpg

Hình ảnh: Máy đo độ ẩm của đất

Xem thêm: Tại sao phải cải tạo đất trong nông nghiệp?

4) Các phương pháp tưới nước cho sầu riêng

a) Tưới nước thủ công

Đây là biện pháp đơn giản nhất. Bà con chỉ cần cho nước vào hệ thống mương trong vườn và sử dụng các vật dụng giản đơn như xô, thùng,... để tưới nước.

6e369d94-5955-4ad3-8dd0-6bc43bbf111a.jpg

Hình ảnh: Tưới nước thủ công

b) Tưới nước bán thủ công

Để tưới nước bằng phương pháp này, bà con cần lắp hệ thống điện, rồi lắp máy bơm nước ở ngoài vườn để tiến hành bơm nước. Sau đó, bà con lắp đặt đường ống dẫn nước. Bà còn cần tưới cho cây nào thì nối ống dây mềm với đường ống dẫn nước đến cây đó.

Tưới thủ công và tưới bán thủ công là hai phương pháp đơn giản nhưng tốn nhiều công sức, khó có thể áp dụng ở vườn có diện tích lớn.

Tuoi-nuoc-ban-thu-cong.jpg

Hình ảnh: Tưới nước bán thủ công

c) Tưới nhỏ giọt

Tưới nhỏ giọt là phương pháp tưới thấm nước dần dần vào trong chất đất, nước đi ngay vào hệ thống rễ, không gây lãng phí.

Điểm mạnh của phương pháp này là lượng nước tưới ít, hạn chế thất thoát nước do gió và nắng, không cần áp suất lớn mà vẫn có thể cung cấp nước, tiết kiệm được phân bón và sức lao động. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho phương pháp này khá cao.

Tuoi-nho-giot.jpg

Hình ảnh: Tưới nhỏ giọt

d) Tưới rãnh

Tưới rãnh là phương pháp tưới nước để nước chảy theo những rãnh nằm giữa những hàng cây. Nước được thấm dần vào trong đất và cung ứng cho cây trồng.

Điểm mạnh của phương pháp này là giúp tiết kiệm nước tưới, hạn chế nước bốc hơi; giữ cho đất mặt tơi xốp, không bị bào mòn, dưỡng chất không bị rửa trôi; nước tưới trực tiếp vào rễ, không làm ướt lá nên hạn chế bệnh cho cây.

Tuy nhiên, phương pháp này làm lãng phí một phần nước ở cuối rãnh tưới, việc vận chuyển công cụ sản xuất qua rãnh gặp khó khăn, chi phí đầu tư cao,...

Tuoi-ranh.jpg

Hình ảnh: Tưới rãnh

e) Tưới béc

Tước béc phương pháp tưới phun mưa dưới gốc hay tưới phun mưa cục bộ. Đây là hình thức tưới phun mưa bán kính nhỏ (thường từ 0.5m – 3m), béc tưới được đặt dưới gốc cây. 

Ưu điểm của phương pháp này là giúp tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, có thể bón phân trực tiếp đến rễ của cây, nước thấm từ từ không làm cây sốc nước, ngoài ra còn giúp cải tạo môi trường mát mẻ cho cây trồng. 

Tưới béc được vận dụng cho cả cây công nghiệp, cây ăn quả, cây có múi, cây lâu năm, cây dây leo.

Tuoi-bec.jpg

Hình ảnh: Tưới béc

5) Thoát nước cho sầu riêng 

a) Tại sao cần thoát nước cho sầu riêng

Sầu riêng là cây ưa ẩm nhưng lại không chịu được ngập úng. Sầu riêng bị úng nước rễ không đủ oxy để hô hấp, làm thối rễ; lá và hoa bị khô và rụng; chết cây. Ngập úng còn là môi trường thuận lợi để các loài vi sinh vật có hại phát triển và gây hại cho cây. Vì thế, bà con cần có chế độ thoát nước hợp lý cho cây, nhất là vào mùa mưa.

Một số dấu hiệu của ngập úng như:

  • Đất nhão và nước không thể thoát đi được. Lớp đất mặt có màu xám hoặc có nhiều đốm xám do chứa chất hữu cơ độc hại.
  • Các loại cây dại ưa nước như cói, mao địa hoàng, rêu xuất hiện.
  • Các loại côn trùng như muỗi, ốc sên xuất hiện.
  • Cây có lá vàng, lá xám, thậm chí có lá đen. Thân cây mềm, rễ nông, màu đen, dễ bị đổ.

b) Lợi ích của việc thoát nước

  • Đất sẽ được thoáng khí hơn và cây trồng thuận lợi trong quá trình quang hợp và trao đổi khí.
  • Rễ cây dễ dàng phát triển sâu hơn và hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng trong đất hơn.
  • Giúp những vi sinh vật hiếu khí hoạt động mạnh khiến cho sự phân hủy những chất hữu cơ trong đất nhanh hơn.
  • Hạn chế sự phát triển của sâu bệnh.
  • Giảm hiện tượng xói mòn đất.

c) Biện pháp thoát nước cho sầu riêng

  • Tạo rãnh thoát nước: Tạo rãnh thoát nước giúp mùa mưa nước không bị ứ đọng lại, thoát nước đồng đều. Mùa nắng làm nơi dự trữ nước, giúp điều hòa lượng nước tưới và chủ động được nguồn nước tưới.
  • Đắp mô cao: Việc đắp mô cao giảm nguy cơ ngập úng, giúp giảm khả năng cây bị nhiễm các bệnh, giúp cho việc tưới nước và bón phân trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả hơn. Ngoài ra, Việc đắp mô cao có thể giúp giữ nước trong đất lâu hơn, giảm sự thoát hơi nước, giúp cây trồng vững chắc, không bị bật gốc khi mặt đất mềm do gió hay mưa lớn.

6) Những lưu ý khi tưới nước cho sầu riêng

  • Thời gian tưới nước trong ngày: Nên tưới vào buổi sáng (trước 10 giờ sáng), buổi chiều (từ 4 giờ – 6 giờ), tránh buổi trưa nắng gắt sẽ càng làm cho cây bị sốc nhiệt.
  • Kiểm tra chất lượng nước tưới cho cây sầu riêng: Nước tưới phải đảm bảo không bị nhiễm phèn hay nhiễm mặn. Bà con có thể sử dụng nước mưa nhưng phải đảm bảo nước mưa không chứa chất ô nhiễm hoặc chất cặn.

Xem thêm: Chất lượng nước dùng trong nông nghiệp

  • Lượng nước tưới và tần suất tưới: không được tưới quá nhiều nước trong một lần vì cây dễ bị sốc nước. Bà con nên chia thành nhiều lần tưới và tưới theo chu kì tùy vào từng giai đoạn phát triển của cây.
  • Cách tưới nước: Nên tưới vào gốc cây để đảm bảo nước thẩm thấu đến hệ rễ của cây. Tưới nhẹ nhàng và dừng khi đất đạt đủ độ ẩm, không tưới quá nhiều để tránh gây ngập úng và gây hại cho hệ rễ.

Trên đây là kỹ thuật tưới nước cho cây sầu riêng mà Funo xin chia sẻ cho bà con nông dân. Khi tưới nước, bà con cần lên kế hoạch tưới nước hợp lý, thiết kế hệ thống tưới nước phù hợp, thoát nước đúng cách và theo dõi thường xuyên để đảm bảo cây sầu riêng được cung cấp đủ nước, không thiếu không thừa. Nếu có bất kì thắc mắc nào, bà con vui lòng liên hệ qua hotline 0911311100 để được Funo tư vấn chi tiếtmiễn phí nhé!