CÁCH TRỊ SẦU RIÊNG RỤNG BÔNG, TRÁI NON – HƯỚNG DẪN CHI TIẾT CHO NGƯỜI MỚI TRỒNG

Biên tập bởi Hoàng MiĐăng một năm trước9,0720

Trong giai đoạn ra bông, đậu quả ở cây sầu riêng, hiện tượng rụng bông, trái non là điều không thể tránh khỏi. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên của cây trồng, tuy nhiên rụng bông, trái non quá mức gây ảnh hưởng đến năng suất sau này. Đừng lo lắng, nếu nhà nông chăm sóc đúng cách, như bón phân, tưới nước đúng lượng và thời điểm, phòng ngừa bệnh và côn trùng có thể giúp ngăn ngừa sầu riêng rụng bông trái non. Cùng Funo.vn tìm hiểu nguyên nhân và cách trị sầu riêng rụng bông, trái non chi tiết nhất cho người mới trồng!

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng bông, trái non sầu riêng bao gồm yếu tố sinh lý, điều kiện tự nhiên và kỹ thuật chăm sóc.

1. Rụng bông và trái non sầu riêng do yếu tố sinh lý

Cây sầu riêng có đặc tính ra hoa và đậu trái rất nhiều, nếu không tiến hành tỉa hoa, tỉa trái đúng thời điểm sẽ khiến chúng cạnh tranh dinh dưỡng với nhau. Cây không đủ sức để nuôi toàn bộ hoa, trái trên cây nên phải rụng hoa, trái để tập trung dinh dưỡng nuôi số còn lại. Rụng sinh lý là cơ chế tự nhiên của cây trồng. 

Các chất điều hòa sinh trưởng nội sinh (hormone ABA, ethylene) tác động lên tầng rời gây rụng bông và trái. Cơ chế tự nhiên này nhằm đảm bảo sức khỏe cho cây, hạn chế tình trạng suy kiệt. Tuy nhiên, việc rụng sinh lý làm rụng hoa và trái một cách ngẫu nhiên, đôi khi là những vị trí không mong muốn.

Rụng trái non xảy ra trong giai đoạn từ 0-56 ngày sau khi đậu trái (NSĐT) với tỷ lệ rụng trái là 81,7%, tập trung nhiều nhất ở giai đoạn 0-14 NSĐT chiếm 71,7%.

tầng rời, rụng bông trái non sầu riêng

Hình: Các chất điều hòa sinh trưởng nội sinh tác động lên tầng rời gây rụng bông và trái.

a. Các biện pháp hạn chế rụng sinh lý của cây: 

  • Thay cây tỉa bông/trái: loại bỏ vị trí đậu trái không mong muốn (trái đậu ở cành nhỏ, trên thân, quá nhiều trái,…) hoặc trái phát triển không tốt, nhỏ, dị dạng, sâu bệnh,…
  • Cung cấp GA3: chống lại sự hình thành tầng rời. Phun 1-2 lần cách nhau 10-15 ngày (nồng độ 5-10 ppm: 1g/100-200 L nước)

b. Nguyên tắt tỉa hoa, trái non

  • Tỉa trái được thực hiện 2 hay 3 lần ở giai đoạn 4 - 6 tuần sau khi đậu trái (khi trái bằng cái ly và cái chén) nhằm để lại những trái ở những vị trí thích hợp 
  • Không nên để trái ở trên ngọn cây ngoại trừ những trái ở sát thân chính
  • Trái mọc trên thân chính cũng cần phải tỉa bỏ để ngăn cản sự cạnh tranh quá mức có thể xảy ra
  • Không để trái ở những cành có kích thước nhỏ, khả năng nuôi trái kém và có thể làm chết cành
  • Chừa lại 1 - 2 trái/chùm, tùy theo giống, tuổi cây, khả năng nuôi trái của thân, cành để lại 50 - 150 trái/cây. Để trái quá nhiều dễ làm cho cây sầu riêng bị khô và chết cành hoặc có thể làm chết cả cây
  • Tỉa những quả có cuống nhỏ, chen chúc trong chùm quả, trái méo, trái bị sâu bệnh, quả cong vẹo, dị dạng

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nông dân ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và Chợ Lách, tỉnh Bến Tre thì chỉ tỉa hoa và trái khi cây ra nhiều hoa, khi cây ra hoa ít, nhà nông chỉ tỉa một lần khi trái phát triển vì tỉa hoa và trái non sẽ kích thích cho cây ra đọt.

tỉa trái, rụng bông trái non sầu riêng

Hình: Nhà vườn tỉa trái non để chừa lại những trái mong muốn

Xem thêm: Nên lựa chọn giống sầu riêng nào? Đánh giá ưu, nhước của 6 giống phổ biến hiện nay

2. Sầu riêng bị rụng bông, trái mon do mất cân bằng dinh dưỡng, quản lý nước

a. Dinh dưỡng trước khi xử lý ra hoa

Dinh dưỡng trước khi xử lý ra hoa nếu chuẩn bị không tốt sẽ gây ra:

  • Cơi đọt yếu
  • Không đủ lá nuôi trái
  • Áp lực suy kiệt từ đợt trái trước chưa được phục hồi

=> Tỷ lệ rụng bông, trái non cao

Giải pháp: trước khi làm bông ít nhất 3 tháng và giai đoạn làm bông, đậu quả cần bón đầy đủ phân hữu cơ, NPK, trung vi lượng, amino acid,… để tập trung dinh dưỡng nuôi cơi đọt khỏe mạnh.

b. Dinh dưỡng sau khi xử lý ra hoa

Trong điều kiện thuận lợi, đảm bảo về mặt dinh dưỡng, cây trồng sẽ ưu tiên phát triển sinh dưỡng (cành, lá), không ưu tiên ra bông, ra trái. Ở giai đoạn cây đang ra hoa hoặc đậu trái chưa hoàn chỉnh (1 - 2 tuần sau khi đậu trái) mà nhà nông cung cấp đạm, cây sẽ ra đọt và ưu tiên dinh dưỡng để nuôi đọt. Điều này gây rụng bông, trái non và tăng tỉ lệ trái bị dị dạng.

Giải pháp: 

  • Không cung cấp phân qua gốc trong 2 tuần đầu tiên sau khi đậu quả
  • Bổ sung phân bón lá kết hợp chất điều hòa sinh trưởng để hỗ trợ trái phát triển, hạn chế rụng trái và tăng cường đậu trái. Phân bón lá NPK tỷ lệ 1-2-1 (phân NPK 15-30-15) trong tuần đầu đậu trái và lặp lại sau 10-15 ngày (kết hợp GA3) phun trực tiếp lên trái non để hạn chế rụng và hỗ trợ phát triển trái
  • Phun vi lượng Bo định kỳ từ 7-10 ngày/lần từ khi ra hoa đến hết thời kỳ rụng trái
  • Bổ sung Canxi 1-2 lần cho giai đoạn hoa và 1-2 lần cho giai đoạn trái
  • Cung cấp dinh dưỡng bình thường: khoảng 2-3 tuần sau khi đậu trái hoàn chỉnh

Xem thêm: Bật mí cách bón phân NPK cho sầu riêng bội thu 2023

3. Rụng bông, trái non sầu riêng do bất lợi thời tiết

a. Mưa (hoặc tưới nhiều)

Vào mùa khô cây không được cung cấp đầy đủ và liên tục về nước, vì vậy khi chuyển sang mùa mưa, lượng nước thay đổi đột ngột, điều này có thể làm rối loạn sinh lý cây trồng. Cây bị sốc, dẫn đến hiện tượng rụng hoa và trái non.

Mưa cũng làm cây ra nhiều đọt, gây cạnh tranh dinh dưỡng và làm rụng hoa, trái non.

Giải pháp:

  • Tạo điều kiện thoát nước tốt và ngưng tưới những ngày sau
  • Chặn đọt: Tùy thuộc vào mùa vụ tình trạng đọt và kinh nghiệm nhà vườn có thể chọn cách chặn đọt: Phun phủ lá toàn bộ lá bằng một trong các cách sau:
    • CytoStop nồng độ 500mL/200L nước
    • MKP nồng độ 1 - 1.5% (3kg/200L nước)
    • Nitrat Kali (KNO3) nồng độ 1,5% (250g/16L nước)
    • Paclobutrazol nồng độ 250-500pp

Xem thêm: Kỹ thuật chặn đọt sầu riêng

b. Khô (tưới không đủ ẩm)

Sau khi đậu trái thì tăng dần lượng nước đến mức bình thường để giúp trái phát triển khỏe, chất lượng cao. Tưới quá đẩm hay mưa nhiều dễ làm cho cây sầu riêng ra đọt non sẽ làm rụng trái non nhưng nếu thiếu nước trái sẽ phát triển chậm và rụng hoa, trái. Bên cạnh đó, điều kiện khô hạn sẽ làm cây dễ bị sốc khi gặp mưa, dẫn đến bông, trái sầu riêng non rụng hàng loạt. 

Giải pháp:

  • Tạo điều kiện giữ ẩm: sử dụng thảm thực vật (cỏ), rơm, lá cây khô để che phủ xung quanh gốc.
  • Việc tưới nước cho cây cần phải ổn định và đầy đủ.
  • Giữ mực nước trong mương vườn ở độ sâu khoảng 60 - 80cm từ mặt liếp. Không nên để quá dư hoặc quá thiếu nước, nếu rụng trái nhiều nên hạn chế việc tưới nước lại.

giữ nước mương trong vườn sầu riêng

Hình: Mực nước trong mương vườn ở độ sâu khoảng 60 - 80cm từ mặt liếp

4. Sâu bệnh làm rụng bông và trái non sầu riêng

Đối với cây sầu riêng những đợt ra hoa đầu vụ chính là thời điểm mà côn trùng chích hút tấn công rất mạnh và làm rụng bông, trái hàng loạt. Ngoài bọ xít còn có một số đối tượng khác như nhện đỏ, rầy xanh, ruồi, bọ ánh kim,... cũng tấn công và gây ra hiện tượng tương tự. Đặc biệt, bệnh thán thư là tình trạng phổ biến gây rụng hoa và rụng trái non trên sầu riêng.

Giải pháp:

  • Phun ngừa bệnh thán thư từ khi chuẩn bị làm hoa (trước khi nhú mắt cua) đến giai đoạn cây ra hoa và trái: Có thể dùng thuốc có hoạt chất: Mancozeb, Hexaconazole, Phosphonate,...
  • Ngoài ra cần phun phòng trừ một số loại nấm có thể tấn công gây rụng hoa, rụng trái non (nếu thấy có hiện tượng cháy lá, trái sầu riêng có chấm đen,…) bằng các loại thuốc trừ nấm có hoạt chất như Mancozeb + Metalaxyl hoặc Copper oxychloride + Mancozeb,…
  • Phòng ngừa, quản lý côn trùng gây hại bằng thuốc bảo vệ trừ sâu.

Lưu ý:

  • Nên ưu tiên lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật không nóng (thuốc có gốc WG, SC) để tránh ảnh hưởng bông, trái non. 
  • Chọn thuốc có hiệu quả cao và hiệu lực kéo dài, nhằm giảm số lần phun thuốc
  • Sử dụng thuốc không ảnh hưởng đến ong, dơi thụ phấn
  • Thuốc không có mùi, gây xua đuổi thiên địch

bệnh phấn trắng sầu riêng

Hình: Bệnh phấn trắng làm rụng trái non sầu riêng

Xem thêm: Cách phòng, trị bệnh xì mủ trên cây sầu riêng - Kinh nghiệm từ chuyên gia

5. Tăng đậu trái và hạn chế rụng trái non

Nếu để cây sầu riêng thụ phấn tự nhiên sẽ có một số nhược điểm: tỷ lệ đậu trái thấp, vị trí trái không thuận lợi và không chủ động được thời gian thu hoạch.

Nhà nông nên áp dụng biện pháp thụ phấn bổ sung để tăng tỷ lệ đậu trái và hạn chế rụng trái, có thể chọn được trái ở vị trí thích hợp trên cành, trái phát triển đầy đủ, tròn, bán cao giá hơn trái thụ phấn tự nhiên.

Thụ phấn bổ sung bằng cách dùng chổi nylon quét qua quét lại để lấy phấn sau đó quét trên nướm hoa ở vị trí cần thụ phấn bổ sung. Thời gian thụ phấn thích hợp từ 19:00 đến 22:00 giờ. 

thụ phấn bổ sung sầu riêng

Hình: Sử dụng chổi nylon để thụ phấn bổ sung cho sầu riêng

Xem thêm: Xử lý ra hoa trái vụ

Kết luận

Cách trị sầu riêng bị rụng hoa hoặc rụng trái non bao gồm: chăm sóc đầy đủ, tỉa hoa tỉa trái phù hợp, cũng cần quan tâm đến việc phát hiện sớm sâu bệnh gây hại và bổ sung thêm một số dưỡng chất cho cây. Việc bổ sung dưỡng chất sẽ giúp cung cấp thêm dinh dưỡng cho trái, giúp trái phát triển tốt hơn và chống lại tình trạng rụng trái. Đặc biệt, việc này còn giúp cải thiện chất lượng trái sau này.

Mọi thắc mắc về kỹ thuật, bà con vui lòng liên hệ hotline 0911 3111 00 để được tư vấn giải pháp phân bón chuyên biệt và miễn phí từ đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm của Funo!