Ở cây sầu riêng, giai đoạn ra hoa là giai đoạn nhạy cảm và có tầm quan trọng quyết định đến số lượng và chất lượng quả sầu riêng khi thu hoạch. Tuy nhiên, nhiều bà con nông dân vẫn chưa biết cách chăm sóc cây sầu riêng giai đoạn này hiệu quả. Hôm nay, FUNO xin chia sẻ đến quý bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc sầu riêng ra hoa để tăng tỉ lệ đậu quả cao!
1) Thời gian sầu riêng ra hoa
Vùng miền |
Thời gian ra hoa tự nhiên |
Thời gian ra hoa có sự tác động của con người |
Miền tây | Tháng 12-1 |
Tháng 11-1 |
Miền đông | Tháng 2-3 |
Tháng 1-3 |
Tây Nguyên | Tháng 3-5 |
Tháng 2-5 |
Nhà vườn cần lưu ý khoảng thời gian này, nếu cây chưa phân hóa mầm hoa thì cần phải dọn cỏ, giúp đất nhanh khô, tạo điều kiện cây cảm ứng ra hoa nhanh hơn.
Hình ảnh: Sầu riêng ra hoa
2) Các yếu tố ảnh hưởng đến sự ra hoa của sầu riêng
- Giống: Mỗi giống sầu riêng có khả năng ra hoa đậu trái khác nhau.
- Tuổi cây: Nếu cây con tơ (dưới 10 tuổi) hoặc quá lão (trên 40 tuổi) thì khả năng mang trái cũng giảm sút so với giai đoạn cây đang sung sức, cho trái ổn định.
- Tình trạng sinh trưởng của cây và điều kiện chăm sóc: Cây được chăm sóc, bổ sung đủ nước và các chất dinh dưỡng, khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, không sâu bệnh thì cho hoa và quả tốt hơn.
- Số lượng cây sầu riêng trồng trong vườn: Sầu riêng là loại cây rất khó tự thụ phấn vì thời gian tung phấn và nhận phấn không cùng một lúc. Do đó, bà con nên trồng vài giống sầu riêng theo một tỷ lệ nhất định xen lẫn nhau trong vườn để sự thụ phấn chéo xảy ra giúp cây đậu trái nhiều hơn, trái lớn hơn và năng suất cũng cao hơn.
- Thụ phấn trợ lực: Sầu riêng có hạt phấn kết thành khối và dính, do đó không thể tung phấn nhờ gió. Vì vậy bà con có thể tự mình trực tiếp thụ phấn cho cây hoặc một số loài côn trùng hoặc dơi cũng có thể hữu ích cho việc truyền phấn ở sầu riêng để tăng đậu trái.
3) Tại sao cần chăm sóc cây sầu riêng trong giai đoạn ra hoa?
Bà con cần đặc biệt chăm sóc cây sầu riêng trong giai đoạn ra hoa vì những lợi ích sau:
- Ngăn chặn được các mầm bệnh, sâu bệnh gây hại cho cây sầu riêng.
- Hoa sẽ phát triển mạnh và cùng thời điểm, hạn chế rụng bông làm giảm năng suất.
- Nâng cao được chất lượng và số lượng quả sau khi thu hoạch.
4) Nguyên tắc để xử lý ra hoa cây sầu riêng
Không nên kích thích ra hoa đối với những trường hợp sau: cây 1-3 năm tuổi, chưa trưởng thành, cây sinh trưởng kém (lá thưa, cây đang bị bệnh hoặc có hiện tượng rụng lá,...)
Để đảm bảo cây đủ sức nuôi trái tốt thì bộ lá phải có ít nhất 2 cơi đọt (cây đã ra được 2 lần đọt và lá đã già hoàn chỉnh)
Quy trình điều khiển sầu riêng ra hoa bắt đầu từ giai đoạn sau thu hoạch, kích thích cho cây ra đọt phục hồi sinh trưởng cho cây, kích thích ra hoa.
Ngoài kỹ thuật xử lý ra hoa bằng cách tạo khô hạn và phun chất ức chế sinh trưởng, nhà nông cần áp dụng tổng hợp các kỹ thuật từ tỉa cành, quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại, cỏ dại mới có thể đạt được năng suất cao và cơm trái không bị sượng.
Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết từ a-z cách tạo mầm hoa sầu riêng đồng loạt
5) Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng khi ra hoa
a) Điều tiết nước tạo khô hạn để hoa ra đều tập trung
Cây sầu riêng muốn ra hoa cần phải có thời gian khô hạn (nhiệt độ cao, độ ẩm thấp) để phân hóa mầm hoa. Bà con cần phải xiết nước, hãm nước từ 10-15 ngày thì cây mới có thể chuyển hóa mầm hoa hình thành mắt cua.
Nếu thời gian ngưng nước quá ngắn, cây sầu riêng sẽ ra hoa ít hoặc không đồng loạt dẫn đến khó chăm sóc quả sau này.
Nếu đất có hiện tượng khô, cây có biểu hiện héo mà chưa ra mầm hoa thì tưới nhẹ 1 lần nước cho đủ ẩm (lượng nước tưới bằng 1/3 lúc bình thường). Rồi tiếp tục xiết nước tạo khô hạn, chờ cây ra hoa đều, tập trung thì chọn đợt hoa đó.
Đối với xử lý ra hoa sầu riêng thuận vụ, bà con chỉ cần ngưng tưới, cây sẽ tự cảm ứng và hình thành mắt cua. Đối với xử lý ra hoa nghịch vụ, bà con cần áp dụng nhiều kỹ thuật phức tạp hơn: đậy bạt, bón lân cao, chặn đọt,....
b) Tưới nước thời điểm ra mắt cua
Sau khi cây ra mắt cua hoàn chỉnh (mắt cua sáng hoàn toàn), cây cần nước để tiếp tục phát triển và nuôi hoa. Bà con cần bắt đầu tưới lại khi mắt cua sáng ra dài tầm 1-2 cm.
Bà con nên tưới xòe đều nước chầm chậm từ bên ngoài tán vào bên trong cho đến khi nước vừa chảy tràn trên mặt đất. Ưu tiên tưới bên dưới tán cây vì nơi đó tập trung rất nhiều rễ tơ hút nước.
Khoảng 2-5 ngày sau khi tưới, khi thấy lớp đất mặt bắt đầu khô, bà con tưới thêm lần nữa, tuyệt đối không tưới quá nhiều trong 1 lần gây sốc nước.
Vào thời điểm 1 tuần trước khi hoa nở, bà con cần giảm 2/3 lượng nước ở mỗi lần tưới (chu kỳ tưới không thay đổi) để giúp hạt phấn khỏe có khả năng thụ phấn, đậu trái tốt.
Bà con tuyệt đối không nên tưới sớm khi mắt cua vẫn đang ra, chưa sáng rõ vì:
+ Có thể dẫn đến nghẹn hoa, mắt cua bị đen trở lại.
+ Các hoa ở đầu cành phát triển mạnh còn các mầm hoa ở vùng mang trái bị rơi vào trạng thái ngủ nên sẽ giảm sản lượng.
+ Kích thích phát triển lá trên mỗi chùm hoa, dinh dưỡng tập trung nuôi lá làm hoa nhỏ lại, cuống hoa dài, yếu ớt, ảnh hưởng đến đậu trái, nuôi trái.
c) Bón phân bổ sung dinh dưỡng cho sầu riêng khi ra hoa
- Khi cây nhú mầm hoa (mắt cua) sau 20-30 xử lý:
Kích thích trổ hoa và phá miên trạng mầm hoa, thúc đọt phát triển bằng cách:
+ Phun: CYTOCABO (2-3 ml/L), CYTOBASE NPK 15-5-40 (5-10 gr/L) hoặc CYTOFIVE (0,5g/L).
+ Tưới: CYTO SOIL CARE (50-70 ml/cây), CYTO FOR FARMER (10-20 ml/cây), CYTO BASE 22.22.10 (200-300 gr/cây)
Tiến hành dở bạt và tưới nhẹ nước, duy trì ẩm độ ở độ sâu 60-80cm, chia nhỏ lượng nước tưới cho nhiều ngày, không nên tưới dồn dập, tránh cây bị sốc nước. Lượng nước tưới khoảng 20 – 30% khi tưới bình thường, sau đó tăng dần).
- Khi hoa phát triển:
Giai đoạn từ 20 và 40 ngày sau khi hoa phát triển tiến hành tỉa hoa:
- Đối với các vùng thụ phấn nhân tạo: Tỉa bỏ hoa ngoài tán, trên thân hoặc gần sát thân chính, tỉa bỏ những chùm hoa gần sát nhau, cuống nhỏ, khoảng cách 20-25cm/chùm.
- Đối với các vùng thụ phấn tự nhiên: Không cần chừa khoảng cách chùm hoa.
Phun thuốc ngừa sâu bệnh, thán thư làm khô hoa: Trước khi hoa nở 3-5 ngày, phun CYTOCABO (2 ml/L), CYTOFIVE (0,5 gr/L) hoặc CYTOGAL PLUS (1 ml/L)
d) Phòng ngừa bệnh cho sầu riêng giai đoạn khi ra hoa
Bà con nên phun thuốc trị nấm thán thư toàn cây (lá, thân, cành, gốc) trước khi tiến hành làm hoa. Phun kỹ và ướt đều mặt dưới của cành, ngách thân. Vì đây là những nơi ẩn chứa mầm bệnh, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển, tấn công lên hoa.
Bà con chỉ nên phun ngừa bệnh trước khi cây làm hoa và sau khi mắt cua đã ra hoàn toàn. Khi mắt cua chưa sáng rõ tuyệt đối không phun xịt vì giai đoạn này rất nhạy cảm. Một số thuốc trị thán thư được khuyến cáo: Anvil 5SC, ProThiram 80WP,...
Thời kỳ sau khi cây nhú mắt cua cây rất yếu nên rất dễ bị nấm xì mũ tấn công. Nhà vườn cần kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời.
Hình ảnh: Bệnh thán thư trên cây sầu riêng
e) Tỉa hoa và chụm hoa sầu riêng
Một cây sầu riêng có thể ra nhiều bông nhưng bình quân thì cây cũng chỉ mang khoảng 80-150 quả.
Một cây sầu riêng có quá nhiều bông thì không đủ dinh dưỡng để nuôi sống hết tất cả các bông nên bông nào cũng ốm yếu. Những bông ốm yếu thì hạt phấn sẽ ít, chất lượng hạt phấn kém, cây thụ phấn không đạt, dễ bị rụng hoặc nếu đậu quả thì quả xấu, méo mó, tỉ lệ quả loại 1 thấp.
Ngoài ra, bông quá nhiều, sát nhau, tạo điều kiện cho nấm bệnh, sâu rầy phát triển và tấn công cây.
Vậy nên, bà con nên tỉa bông ngay từ đầu, chỉ chừa lại số lượng bông phù hợp ở vị trí phù hợp để bông nào cũng đủ chất dinh dưỡng, khỏe mạnh thuận lợi cho quá trình thụ phấn, thụ tinh, đậu quả và phát triển quả.
Thời điểm tỉa hoa là khi chùm hoa hình thành 3-5cm.
f) Dọn vệ sinh tại vườn sầu riêng tại thời kỳ cây bắt đầu ra hoa
Ở thời điểm cây ra mầm hoa, bà con cũng cần lưu ý dọn sạch cỏ rác trong và ngoài tán cây nhằm tạo độ thông thoáng tốt, đất nhanh khô để cây cảm ứng ra hoa.
g) Phân biệt các đợt hoa xả nhị
Phân biệt các đợt hoa xả nhị để có biện pháp chăm sóc riêng biệt cho những cây có cùng thời gian xả nhị và xác định chính xác thời điểm thu hoạch của những quả xả nhị cùng đợt. Có 2 phương pháp phân biệt các đợt hoa xả nhị đó là:
+ Đánh số cho từng cây, ghi chép sổ sách cụ thể ngày xả nhị của từng cây trong trường hợp để 1 đợt hoa/cây.
+ Đánh dấu sơn các màu khác nhau cho từng lứa hoa xả nhị khác nhau trên cây trong trường hợp cây để 2 đợt hoa.
6) Một số vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc sầu riêng giai đoạn ra hoa
- Tuyệt đối không được bón Clo vì nó làm cho chất lượng trái giảm đi đáng kể.
- Không để cây ra đọt non khi trái vừa mới đậu, vì như vậy sẽ cạnh tranh chất dinh dưỡng với trái. Khi có trường hợp này thì sử dụng phân bón CYTO STOP phun lên lá để ngăn chặn đọt phát triển và bổ sung dinh dưỡng giúp cây nuôi trái tốt.
Trên đây là kỹ thuật chăm sóc sầu riêng giai đoạn ra hoa mà FUNO xin chia sẻ đến quý bà con. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp cho bà con nông dân có một vụ mùa bội thu. Nếu có thắc mắc xin vui lòng liên hệ hotline 0911311100 để được tư vấn chi tiết và miễn phí nhé!