Kỹ thuật tỉa cành sầu riêng – tối ưu dinh dưỡng cho cây trồng

Biên tập bởi [email protected]Đăng 2 tháng trước5630

Sầu riêng là một loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc chăm sóc sầu riêng đúng cách thì không hề dễ dàng. Để cây trồng sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh thì tỉa cành bước quan trọng trong việc chăm dưỡng cây. Vậy tỉa cành như thế nào là hợp lý, hãy cùng Funo tìm hiểu về kỹ thuật tỉa cành sầu riêng nhé!

 

1) Tác dụng của việc tỉa cành sầu riêng

  • Phân chia dinh dưỡng hợp lý: tập trung nuôi những cành chính, tránh lãng phí nguồn dinh dưỡng.
  • Định hình được bộ khung chắc khỏe từ bé: các cành đều nhau, phát triển thành cành chính và tăng khả năng mang trái. 
  • Hạn chế được nguồn nấm bệnh: phá bỏ nơi ẩn náu của côn trùng, sâu bệnh hại.
  • Thông thoáng: ánh sáng phân phối đều trên cây, tăng cường quang hợp cho cây.
  • Phun thuốc trừ sâu hay dùng phân bón lá: mọi bộ phận trên cây đều dễ dàng nhận được.
     Ky-thuat-tia-canh-sau-rieng.jpg

Hình ảnh: kỹ thuật tỉa cành sầu riêng

2) Thời điểm tỉa cành sầu riêng

  • Giai đoạn vườn ươm: Khi cây sầu riêng còn nhỏ, bà con nên  cắt tỉa đi các cành mọc sai vị trí, định hình khung, tạo tán cho cây. Tuy nhiên trong giai đoạn này, bà con không nên cắt tỉa quá nhiều cành để cây con không bị mất sức.
  • Giai đoạn trồng cây con: Sau khi phá bầu đất ươm của cây để chuyển cây con vào đất vườn, sau một thời gian bà con nên lưu ý việc tạo dáng, cắt cành hợp lý. Bà con nên tỉa cành sầu riêng con để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi rễ và cành chính, chú trọng những thân chính tránh ảnh hưởng đến cây. Tập trung bón phân giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển bộ rễ khỏe mạnh. 
  • Giai đoạn cây trưởng thành: Đây là khi cây đã phát triển toàn diện về cành nhánh, bộ rễ và lá cũng hoàn thiện nên chỉ cần cắt cành tạo độ thông thoáng cho cây.
  • Giai đoạn cây cho quả: Vào thời điểm cây cho quả bằng quả quýt, kết hợp cắt tỉa cành với tỉa quả để dồn dinh dưỡng cho những cành, quả chính nhằm nâng cao chất lượng cây trồng.
  • Giai đoạn sau thu hoạch: Thời điểm này cần loại bỏ các cành đã già yếu, những cành bị sâu bệnh cũng như cắt tỉa cành vượt che khuất ánh sáng cho cây, kết hợp với việc bón phân giúp cây phục hồi một cách nhanh chóng hơn.
  • Giai đoạn cây già: Bộ rễ hoạt động yếu khó đảm bảo lượng dinh dưỡng cần thiết nên cần được cắt tỉa nhiều và bón phân cải tạo đất.

    Cac-thoi-diem-tia-canh-sau-rieng.png

Hình ảnh: Các thời điểm tỉa cành sầu riêng

3) Quy trình tỉa cành sầu riêng

a) Xác định các cành nhánh cần tỉa bỏ

  • Những cành cần cắt bỏ
    - Cành sầu riêng mọc đứng, cành bên trong tán.
    - Những cành ốm yếu, bị sâu bệnh hại.
    - Những cành mọc quá sát mặt đất.
  • Những cành cần giữ lại
    -Cành sầu riêng mọc ngang.
    -Cành sầu riêng khoẻ mạnh.
    -Cành ở độ cao 1m so với mặt đất (khi cây đã cho quả).

b) Xác định vị trí cắt cành

Tỉa bỏ hết cành vượt mọc đứng bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, cành mọc quá gần mặt đất (≤ 50 cm). Để lại các cành trên thân chính cách nhau 30 cm, còn những cành khác mọc ra trên thân chính thì nên cắt bỏ. Cùng một vị trí trên cây nếu có 2 cành mọc ra thì cắt cành sát vào thân nhất.

c) Chuẩn bị dụng cụ cắt cành

  • Kéo cắt cành loại nhỏ: sạch sẽ, không rỉ sét, lưỡi cong, có tay cầm, có lò xo trợ lực để cắt các cành nhỏ.
  • Cưa cầm tay: lưỡi cưa sắc, không bị rỉ sét, răng cưa đều, dùng để cắt những cành mà kéo không cắt được. Nếu cắt thân lớn, dùng cưa có răng lớn, đường mở răng rộng để dễ dàng thao tác.
  • Kéo cắt cành loại cán dài: Dùng để cắt những cành ở trên cao.
     Dung-cu-tia-canh-sau-rieng.png

Hình ảnh: Dụng cụ tỉa cành sầu riêng

d) Kỹ thuật cắt cành qua từng giai đoạn phát triển của cây sầu riêng

  • Cắt tỉa cành sầu riêng năm thứ 1

- Trong khoảng 6 – 8 tháng đầu là thời điểm cây sầu riêng thích nghi, bước đầu phát triển thân lá. Trong giai đoạn này, bà con tập trung bổ sung dinh dưỡng, giữ ẩm cho cây khỏe, thân cành phát triển.

Cắt hết cành mọc ra từ gốc ghép, tỉa bỏ hết cành vượt mọc đứng bên trong tán và những cành ốm yếu.
- Khi cây sầu riêng cao khoảng 1m thì loại bỏ ngay từ đầu những cành mọc đan xen với nhau và những cành yếu không phát triển.

  • Cắt tỉa cành sầu riêng năm thứ 2

Lựa chọn các cành nằm ngang, cành khỏe phân bố đều về các hướng làm bộ khung chính. 
- Giữ cho khoảng cách giữa các cành trong tán cách nhau 15cm, khoảng cách từ cành thấp nhất đến mặt đất khoảng 60–75cm. 
- Cắt tỉa cành sầu riêng yếu mọc trong tán, loại bỏ những cành tăm để tạo độ thông thoáng, giúp cây tránh sâu bệnh hại.
- Cắt bỏ ngọn cành vượt để cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành cấp 2  và cành quả

  • Cắt tỉa cành sầu riêng năm thứ 3

- Tiến hành cắt ngọn để hạn chế chiều cao cây sầu riêng. Chỉ nên giữ lại 2-4 nhánh khỏe, phân bố đều các hướng cách ngọn mới cắt 15cm. 
- Tiến hành cắt ngọn cành khung (cành cấp 1) để thúc đẩy cành cấp 2 phát triển, to mập để làm tiền đề cho trái sau này. 
- Cắt tỉa cành sầu riêng yếu mọc trong tán, tỉa bỏ cành tăm để tạo độ thông thoáng, tránh sâu bệnh hại.

  • Cắt tỉa cành sầu riêng năm thứ 4

Cắt tỉa cành sầu riêng cấp 2 mọc chụm, mọc xiên vào trong tán cây để tạo sự thông thoáng. Để khoảng cách từ thân chính ra cành cấp hai khoảng 30cm và giữa hai cành cấp hai là 30cm. 
- Tỉa bỏ các nhánh mọc hướng xuống đất, cành vống, cành nhánh mọc khuất trong tán, cành sâu bệnh và cành bị khô. 
- Cắt tỉa bớt cành tăm trên nhánh để cây thông thoáng, đồng thời loại bỏ những cành nhỏ, giúp bộ tán thoáng để hạn chế sâu bệnh và hấp thụ dinh dưỡng khỏe.

  • Cắt tỉa cành sầu riêng ở các năm tiếp theo

Định kỳ cắt tỉa cành sầu riêng để duy trì bộ tán mong muốn. 
- Tỉa bỏ những cành tăm, cành mọc ngược, mọc chéo và mọc thẳng đứng so với thân. 
- Loại bỏ những cành sâu bệnh, cành gãy và cành khô không có khả năng nuôi trái.
Khi cây bắt đầu cho ra hoa và quả: Với cây cao hơn 7m, bà con  nên cắt ngọn để giảm bớt chiều cao của cây. Nhằm đảm bảo nguồn dưỡng chất cho cây được sử dụng tập trung, giúp việc nuôi dưỡng cây, ra hoa, đậu trái tốt hơn, thuận tiện cho quá trình chăm sóc và thu hoạch sau này.

  • Khi thu hoạch xong: Cắt tỉa cành sầu riêng để loại bỏ những cành mọc đứng hoặc mọc ngược vào bên trong tán. Đồng thời loại bỏ những cành nằm cách mặt đất thấp hơn 1m vì chúng thường dễ bị sâu bệnh.
  • Lưu ý: Không nên tỉa quá mạnh, tỉa trống để cây sầu riêng giữ lại bộ lá, duy trì quang hợp cho cây.
    Hinh-anh_-Phan-biet-canh-cap-1-canh-cap-2-canh-cap-3-tren-cay-sau-rieng.png 

Hình ảnh: Phân biệt cành cấp 1, cành cấp 2, cành cấp 3 trên cây sầu riêng

4) Những lưu ý sau khi tỉa cành sầu riêng

Kiểm tra vị trí vết cắt thường xuyên để phòng trừ sâu bệnh hại cây, có thể sử dụng vôi hoặc một loại thuốc trừ nấm hoặc dùng keo nilon cuốn quanh vết cắt lại, nhất là tỉa cành cây sầu riêng con.

Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại sớm cũng như các cành mới mọc ra sai vị trí thì tiếp tục cắt tỉa.

Cây sau khi cắt tỉa, tạo dáng rất dễ bị bệnh xì mủ thân, thối rễ gây chết cây, bà con nên xịt thuốc để phòng tránh, kết hợp vệ sinh xung quanh vườn trồng để ngăn chặn kịp thời sâu bệnh tránh hậu quả xấu cho cây.

Tưới nước và bón phân cung cấp thêm dinh dưỡng để cây nhanh hồi phục, có thể dùng phân bón gốc hoặc phân bón lá tùy vào thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây.

Trên đây là những thông tin về kỹ thuật tỉa cành sầu riêng mà Funo xin chia sẻ đến quý bà con nông dân. Mong rằng những thông tin trên đây sẽ giúp ích cho quý bà con nông dân trong quá trình trồng sầu riêng. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bà con vui lòng liên hệ qua hotline 0911311100 để được Funo tư vấn chi tiếtmiễn phí nhé!