NÊN LỰA CHỌN GIỐNG SẦU RIÊNG NÀO? ĐÁNH GIÁ ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA 6 GIỐNG PHỔ BIẾN HIỆN NAY

Biên tập bởi Hoàng MiĐăng một năm trước11,3810

Sầu riêng là loại cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Vì vậy, “nên trồng giống cây sầu riêng nào cho năng suất tốt” là câu hỏi được nhiều nông dân quan tâm. Trong bài viết này, Funo sẽ giới thiệu ưu điểm, nhược điểm và năng suất của 6 giống sầu riêng phổ biến ở Việt Nam. Từ đó, nhà nông có sự lựa chọn giống phù hợp điều kiện canh tác của mình. 

1. Tổng quan về các giống cây sầu riêng phổ biến ở Việt Nam

Các giống sầu riêng thương mại phổ biến ở Đông Nam Á đều là loài Durio zibenthinus Murry có nguồn gốc từ bán đảo Mã Lai.

Các giống thương mại khởi nguồn từ hạt trồng ngẫu nhiên và được lọc bởi nông dân cũng như các chương trình chọn giống quản lý bởi các cơ quan nghiên cứu của chính phủ. Các hoạt động nghiên cứu và chọn ra những giống diễn ra mạnh mẽ ở Thái Lan và Mã Lai, có nhiều giống được phát triển và công nhận.

Hiện nay, các giống được nông dân lựa chọn nhiều nhất là giống Monthong (41,5%), kế đến là sầu riêng Ri6 (25,5%), giống cơm vàng hạt lép Chín Hóa (21,8%). 

Sầu riêng Ri6 và Monthong là những giống sầu riêng có chất lượng cao, đã và đang được thị trường Trung Quốc (thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới) nhập khẩu chính ngạch. Đối với các thị trường nhập khẩu khác, 2 giống sầu riêng này cũng được ưa chuộng.

Công nhân đang đóng gói sầu riêng để xuất khẩu

Hình: Công nhân đang đóng gói sầu riêng để xuất khẩu

2. Vùng trồng sầu riêng phổ biến ở Việt Nam

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): sầu riêng được trồng tập trung tại các tỉnh Tiền Giang (chủ yếu tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước và thị xã Cai Lậy), Vĩnh Long (tập trung ở các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Mang Thít, Trà Ôn, Long Hồ), Bến Tre (tập trung ở huyện Chợ Lách, Châu Thành) và Sóc Trăng.

Vùng Đông Nam Bộ: thì sầu riêng được trồng ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh với năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha. Đồng Nai có diện tích sầu riêng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ và được trồng tập trung ở các huyện Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú.

Vùng Tây Nguyên: sầu riêng được trồng tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum.

3. Giống cây sầu riêng ở Việt Nam

a. Giống sầu riêng Khổ qua xanh

Sầu riêng Khổ qua xanh là giống địa phương được trồng phổ biến ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cây sinh trưởng mạnh, cành nhánh sum suê.

  • Thời gian từ khi đậu trái đến khi thu hoạch: 95 - 100 ngày

  • Đặc điểm trái:
    • Trái hình thoi, trọng lượng trung bình 1,4 - 1,6 kg
    • Vỏ màu xanh khi chín
    • Cơm mỏng (4,7 mm), béo vừa , ngọt hơi đắng nhưng rất thơm
    • Tỷ lệ cơm thấp (19 - 20%) 
    • Tỷ lệ hạt chắc rất cao (18 - 19%)
  • Ưu điểm: dễ ra hoa, đậu trái, năng suất cao
  • Nhược điểm: 
    • Cơm có màu vàng nhạt, vị hơi “nhẫn”, cơm dễ bị ướt sau những trận mưa lớn
    • Giá bán thấp do phẩm chất không cao
  • Năng suất: từ 120 - 150 trái/cây đối cới cây 10 - 15 tuổi
  • Khu vực trồng phổ biến: ĐBSCL

giống cây sầu riêng khổ qua xanh

Hình: Cây (trái) và quả (phải) sầu riêng Khổ qua xanh ở Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

b. Giống sầu riêng Sữa hạt lép (Chín Hóa)

Sầu riêng Cơm vàng sữa hạt lép hay còn gọi là sầu riêng Chín Hóa, là giống địa phương của ông Nguyễn Văn Hóa, ngụ tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. 

Cây sinh trưởng khá tốt, dạng tán hình tháp, lá thuôn dài, mặt trên bóng láng và có màu xanh đậm. Cây cho thu hoạch từ năm thứ 4 sau trồng. 

  • Thời gian từ khi đậu trái đến khi thu hoạch: 100 - 110 ngày
  • Đặc điểm quả: 
    • Trái có hình trụ, vỏ trái màu vàng cám
    • Trọng lượng trung bình từ 2,0 - 2,5 kg
    • Thịt trái có màu vàng, rất béo, ngọt, cơm hơi mềm nhưng không dính tay
  • Ưu điểm: 
    • Hạt bị lép với tỷ lệ cao 30 - 40%
    • Tỷ lệ ăn được cao hơn giống sầu riêng Khổ qua xanh (25 - 34%)
  • Nhược điểm: 
    • Cơm hơi mềm hay bị nhão
    • Mùa mưa khó ra hoa
    • Tỷ lệ ra hoa không cao như sầu riêng Khổ qua xanh
  • Năng suất: 50 - 70 trái/cây/năm
  • Khu vực trồng phổ biến: ĐBSCL, tuy nhiên hiện nay ít phổ biến do phẩm chất kém

giống cây sầu riêng cơm vàng sữa lạt lép chín hóa

Hình: Dạng trái và màu sắc cơm sầu rieegn Cơm vàng sữa hạt lép (Chín Hóa), huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

c. Giống sầu riêng Ri6

Là giống địa phương của anh Nguyễn Minh Châu (6 Ri) ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Cây sinh trưởng khá tốt, phân cành ngang đẹp, dạng tán hình tháp, lá hình xoan và có màu xanh đậm mặt trên. Phù hợp trên chất đất tốt, giàu dinh dưỡng. Cây cho thu hoạch từ năm thứ 3 sau trồng, nếu được trồng bằng cây ghép và chăm sóc tốt.

  • Thời gian từ khi đậu trái đến khi thu hoạch: 100 - 105 ngày
  • Đặc điểm trái: 
    • Trái có dạng elip, trọng lượng trung bình từ 2,5 - 3,0 kg.
    • Tỷ lệ hạt lép với trọng lượng trái rất thấp (5 - 7%)
    • Cơm dày, tỷ lệ thịt trái khá cao, gần 30 - 35%
    • oBrix (thể hiện nồng độ (% trọng lượng) hoặc mật độ đường trong dung dịch) ở giống sầu riêng này khá cao (27,3%)
    • Cơm màu vàng đậm, vị ngọt, béo, không xơ và không mềm như cơm vàng sữa hạt lép
  • Ưu điểm: 
    • Giống sầu riêng cao cấp cho năng suất và chất lượng cao mà thị trường hiện nay khá ưa chuộng
    • Dễ trồng, đỡ tốn công chăm sóc, ít bị sâu bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao.
  • Nhược điểm: cơm có hiện tượng “cháy múi”
  • Năng suất: 50 - 70 trái/cây/năm đối với cây 10 - 15 năm. Cây 14 năm tuổi cho năng suất 220 kg/cây/năm
  • Khu vực trồng phổ biến: thích hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, đặc biệt là vùng đất phù sa ở khu vực ĐBSCL. Sầu riêng Ri6 cũng được trồng ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

giống cây sầu riêng ri6

Hình: Sầu riêng Ri6 ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long

d. Giống sầu riêng Chuồng bò hạt lép

Sầu riêng Chuồng bò hạt lép là giống sầu riêng được chọn từ cây sầu riêng trồng kế bên chăn nuôi bò của ông Nguyễn Văn Trung (Tư Tây) tại ấp Hòa Thịnh, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nên được đặt tên là “Chuồng bò hạt lép”.

  • Thời gian từ khi đậu trái đến khi thu hoạch: 95 - 105 ngày
  • Đặc điểm trái:  
    • Trái có hình trụ, gai ngắn (0,8 cm), vỏ mỏng (0,33 cm ở giữa vỏ)
    • Trọng lượng trung bình 1,5 kg 
    • Cơm trái có màu vàng nhạt, mềm, mịn, hơi ráo đến nhão
    • Hàm lượng nước trung bình trong cơm khá cao (81%)
    • Vị ngọt , ít béo, oBrix trung bình là 23%
    • Tỷ lệ thịt trái trung bình 33%
    • Tỷ lệ hạt lép 28%
  • Ưu điểm: 
    • Không bị sượng
    • Giống này rất được ưa chuộng ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, giá bán cao hơn một số giống sầu riêng nổi tiếng như Monthong, Ri 6 
  • Nhược điểm: chín rất nhanh và khi chín trái thường bị tách đít trái, ảnh hưởng đến quá trình bảo quản và mùi vị cũng như giá cả của trái sầu riêng.
  • Năng suất: cây 6 tuổi có khả năng cho năng suất 60 kg/cây/năm
  • Khu vực trồng phổ biến: ĐBSCL

Trái sầu riêng Chuồng bò hạt lép ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Hình: Trái sầu riêng Chuồng bò hạt lép ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

e. Giống sầu riêng 6 Hữu

Giống riêng 6 Hữu được cho là đột biến trong tự nhiên của giống sầu riêng Khổ qua xanh vì vỏ trái của giống này có màu xanh rất giống với sầu riêng Khổ qua xanh. Sầu riêng 6 Hữu có nguồn gốc xuất xứ tại xã Long Trung , huyện Cai Lậy và hiện nay được trồng chủ yếu tại huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang

  • Thời gian từ khi đậu trái đến khi thu hoạch: 105 - 115 ngày
  • Đặc điểm trái: 
    • Trái có trọng lượng trung bình tương đối nhỏ (1,2 - 2,0 kg)
    • Dáng thon, gai trái dài (1,6cm) gấp đôi so với sầu riêng Chuồng bò hạt lép
    • Cơm trái có màu vàng tươi, khá bắt mắt, oBrix thịt trái khá cao (trung bình 25%)
    • Hàm lượng nước trong cơm rất thấp (53%), cơm mềm, xốp, từ ráo đến hơi nhão
    • Tỷ lệ lép tương đối thấp (16,5%) 
    • Tỷ lệ ăn khá cao (35%) do hạt nhỏ
  • Ưu điểm: 
    • Phẩm chất ngon, rất được ưa chuộng ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh
    • Giá cao hơn  một số giống nổi tiếng như Monthong, Ri 6
  • Nhược điểm: trái nhỏ, năng suất không cao
  • Khu vực trồng phổ biến: ĐBSCL, Gia Lai

Giống sầu riêng 6 Hữu tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Hình: Giống sầu riêng 6 Hữu tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

4. Giống cây sầu riêng nhập

a. Giống sầu riêng Thái Lan (Monthong)

Giống Monthong hay còn có tên gọi là sầu riêng Thái, sầu riêng Dona. Cây sinh trưởng khá tốt, dạng tán hình tháp, lá thuôn khá dài, mặt trên bóng láng, phẳng và có màu xanh hơi sậm, thích ứng rộng. Cây cho thu hoạch sau 4 năm trồng, nếu sử dụng cây ghép và được chăm sóc tốt.

  • Thời gian từ khi đậu trái đến khi thu hoạch: 115 - 120 ngày. 
  • Đặc điểm trái: 
    • Trái khá lớn, trung bình từ 2,5 - 4,5 kg, có dạng hình trụ, đỉnh trái hình vuông
    • Tỷ lệ ăn được cao (>30%)
    • Cơm dày (25 - 28 mm), xơ trung bình, có màu vàng đến vàng đậm, chắc, có kem, hạt nhỏ
    • Khi chín vỏ trái chuyển từ màu xanh sang vàng
  • Ưu điểm:
    • Sinh trưởng mạnh
    • Chống chịu được một số loại sâu bệnh quan trọng
  • Nhược điểm:
    • Thời gian đậu trái đến thu hoạch dài hơn các giống trong nước như Ri 6, Khổ qua xanh, Sữa hạt lép
    • Tỷ lệ sượng cơm, mất màu cao ở khu vực Chợ Lách (Bến Tre). Tuy nhiên, những năm gần đây, nhà nông đã biết cách khắc phục.
  • Năng suất: cao, ổn định từ 70 - 100 trái/cây/năm. Cây 10 tuổi cho năng suất 164 kg/cây
  • Khu vực trồng phổ biến: giống sầu riêng phổ biến nhất hiện nay, trải dài khắp khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

trái sầu riêng Monthong

Hình: Trái sầu riêng Monthong

b. Giống sầu riêng Mã Lai (Musang king D197)

Từ “Musang” có nguồn gốc từ “Gua Musang”, là tên của nơi đầu tiên trồng dòng vô tính này. Giống Musang king có tên địa phương là “Raja Kunyit” hoặc “Mau Shan Wang”, có nguồn gốc từ quận Tanah Merah thuộc bang Kelantan của Mã Lai.

  • Đặc điểm trái: 
    • Hình dạng trái thay đổi từ từ hình oval đến hình elip
    • Điểm đặc biệt dễ nhận dạng nhất của giống này là phía đít trái, các khe giữa các múi tạo thành hình ngôi sao
    • Vỏ trái có màu xanh nhạt
  • Ưu điểm:
    • Cơm có màu vàng đậm, thích hợp cho đông lạnh và vận chuyển xa
    • Musang king hiện đang là giống được ưa thích nhất, giá bán rất cao
  • Nhược điểm: năng suất không cao bằng các giống sầu riêng khác
  • Khu vực trồng: ĐBSCL, Tây Nguyên

Giống sầu riêng Musang king (D197)

Hình: Giống sầu riêng Musang king (D197)

Cơm trái có màu vàng đậm (bên trái), đít trái có hình ngồi sao (bên phải)

Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết sẽ giúp nông dân tìm ra giống sầu riêng phù hợp và đạt được năng suất cao. Mọi thắc mắc về kỹ thuật, bà con vui lòng liên hệ hotline 0911 3111 00 để được tư vấn giải pháp phân bón chuyên biệt và miễn phí từ đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm của Funo!