PHÒNG, TRỊ BỆNH XÌ MỦ TRÊN CÂY SẦU RIÊNG – KINH NGHIỆM TỪ CHUYÊN GIA

Biên tập bởi Hoàng MiĐăng 2 năm trước8,1340

Bệnh xì mủ trên cây sầu riêng là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với nhà vườn canh tác loại cây này. Bệnh xì mủ xuất hiện trên hầu hết các bộ phận của cây như rễ, thân, lá, quả từ giai đoạn vườn ươm đến khi trưởng thành. Vậy, nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng và chữa trị của bệnh xì mủ trên cây sầu riêng là gì? Cùng nghe chuyên gia nông học nhiều năm kinh nghiệm tại Funo.vn chia sẻ chi tiết về loại bệnh này.

1. Nguyên nhân sầu riêng bị xì mủ

Phytophthora palmivora là tác nhân gây chảy nhựa, xì mủ trên cây sầu riêng. Loại nấm này gây hại trên sầu riêng từ giai đoạn vườn ươm đến cây trưởng thành. 

Nấm Phytophthora palmivora phân tán nhờ gió và nước. Nấm có thể di chuyển trong nước nhờ vào roi. Bào tử nấm có thể tồn tại trong đất lên đến 6 năm, có khả năng thích ứng và tồn tại trong điều kiện bất lợi. Khi gặp điều kiện thuận lợi như gió to, mưa nhiều, bào tử nấm sẽ lây lan và phát triển rất mạnh. Vườn bị ngập úng càng lâu thì áp lực bệnh càng lớn. 

2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm gây bệnh xì mủ sầu riêng

  • Lạm dụng phân hóa học: làm chết vi sinh vật có lợi, ví dụ nấm đối kháng Trichoderma, có khả năng ức chế hoạt động của nấm bệnh P. palmivora.
  • Mô thấp, liếp rộng, thoát nước kém, đất thiếu độ tơi xốp, pH thấp: Khi mưa lớn hoặc tưới quá mức thì rễ dễ bị ngập úng và dẫn đến tổn thương rễ, tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhiễm. Ngập úng cũng làm tăng khả năng lây lan do nấm P. palmivora phân tán nhờ nước.
  • Cây có vết thương: do sự tấn công của tuyến trùng, kiến lửa, rệp sáp hoặc cây bị  mất cân đối dinh dưỡng, kích rễ quá mức. Điều này gây ra tổn thương trên rễ và tạo điều kiện cho P. palmivora xâm nhập.
  • Không tỉa cành: tán cây rậm rạp, tạo độ ẩm cao.
  • Xử lý nghịch vụ: làm suy giảm khả năng miễn dịch của cây trồng.

Xem thêm: Kỹ thuật chặn đọt sầu riêng hiệu quả

                  Khắc phục rụng trái non sầu riêng

3. Triệu chứng của bệnh nứt thân xì mủ sầu riêng

Các bộ phận của cây bị nhiễm bệnh gồm: rễ, thân, cành, lá, quả.

  • Trên rễ: rễ non bị thối có màu nâu đen, rễ chết dần làm cây phát triển chậm, sau đó nấm lây lan dần lên các rễ lớn và đến phần gốc thân rồi lên phần thân cây phía trên làm chảy nhựa, bộ lá chuyển màu vàng cây không phát triển và chết dần. 

bệnh xì mủ cây sầu riêng biểu hiện trên rễ

Hình: Bệnh xì mủ cây sầu riêng biểu hiện trên rễ

  • Trên thân, cành: trên thân cây, nơi vết bệnh xuất hiện ban đầu hơi đổi màu như thấm nước, khác màu với vùng vỏ thân xung quanh, sau đó trên thân có dấu hiệu chảy nhựa màu nâu trên bề mặt vỏ cây. Bệnh lan dần vào bó mạch, khi cạo lớp vỏ bị bệnh ra thấy phần gỗ có màu nâu sẫm dọc theo thân, cành.

bệnh xì mủ trên cây sầu riêng

Hình: Bệnh xì mủ cây sầu riêng biểu hiện trên thân

  • Trên lá: vết bệnh đầu tiên là những đốm giống như bị bỏng nước, sau đó có màu nâu đen, nhỏ trên mặt lá và lan rất nhanh. Bộ lá chuyển màu vàng rồi sau vài ngày, lá chuyển thành màu nâu. Bào tử nấm lây sang lá kế cận, lá bị nhũn rồi khô dần và sẽ rụng sau vài ngày.

bệnh xì mủ trên cây sầu riêng

Hình: Bệnh xì mủ cây sầu riêng biểu hiện trên lá

  • Trên quả: vết bệnh khởi đầu là một vài chấm nhỏ màu nâu đen, sau đó phát triển thành hình tròn hay loang lỗ và có màu nâu trên vỏ quả. Khi quả già vết bệnh nứt ra và phần thịt bên trong bị thối, có rất nhiều sợi nấm màu trắng trên vết bệnh và làm quả sầu riêng rụng trước khi chín.

bệnh xì mủ trên cây sầu riêng

Hình: Bệnh xì mủ cây sầu riêng biểu hiện trên quả

Xem thêm: Bật mí cách bón phân NPK cho sầu riêng bội thu 2023

4. Các biện pháp phòng ngừa bệnh nứt thân xì mủ sầu riêng

a. Kỹ thuật canh tác

  • Mô liếp thoát nước tốt (mô cao từ 1 - 1.5m)
  • Xây dựng hệ thống thoát nước tốt, tránh đọng nước trên mặt liếp và xung quanh gốc
  • Tăng cường sử dụng các sản phẩm hữu cơ, phân vi sinh, phân chuồng, rơm khô, cỏ khô, phân hữu cơ đã hoai mục, kết hợp vi sinh vật đối kháng như Trichoderma, Streptomyces nhằm diệt mầm bệnh
  • Rải vôi xung quanh gốc cây và quét vôi lên thân cây (từ mặt đất lên cao 1m, sử dụng vôi đậm đặc quét lên thân chính vào cuối mùa nắng hay đầu mùa mưa)

bệnh xì mủ trên cây sầu riêng

Hình: Cây sầu riêng được quét vôi để phòng ngừa bệnh xì mủ

  • Xử lý đất, tạo độ tơi xốp, cải tạo phèn
  • Cắt cành, tạo tán, thông thoáng vùng gốc, giảm áp lực sâu bệnh
  • Vệ sinh vườn, thu gom và tiêu hủy các bộ phận bị bệnh
  • Dinh dưỡng cân đối, bổ sung trung vi lượng, đặc biệt vào mùa mưa
  • Bón phân theo khuyến cáo, không lạm dụng phân đạm

b. Biện pháp hóa học:

  • Tưới thuốc bệnh định kỳ trên nền đất quanh gốc khi cây từ năm thứ 2 trở lên (vào đầu và cuối mùa mưa).
  • Các hoạt chất trị bệnh xì mủ sầu riêng phổ biến: metalaxyl hoặc mefenoxam, dimethomorph, fosetyl aluminium, mancozeb, cymoxanil, phosphonate, gốc đồng.
  • Pha loãng hoạt chất theo khuyến cáo trên bao bì và tưới quanh gốc theo đường kính tán.

5. Cách trị bệnh xì mủ trên cây sầu riêng

  • Bước 1: Nhận diện và làm khô vết bệnh
    • Phun ướt đẫm thuốc trị bệnh vào toàn bộ cây để làm khô vết bệnh và hạn chế lây lan.
    • Các hoạt chất phòng bệnh xì mủ phổ biến: metalaxyl hoặc mefenoxam, dimethomorph, fosetyl aluminium, mancozeb, cymoxanil, phosphonate, gốc đồng.
    • Nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát với liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì.
  • Bước 2: Cắt, cạo bỏ phần hư của vết bệnh
    • Nấm P. palmivora tấn công ở dưới lớp vỏ và bên ngoài lớp gỗ, phá hoại mạch dẫn của cây. Xử lý vết bệnh bằng cách cưa bỏ, sau đó quét thuốc vào các vết cắt để ngăn chặn nấm bệnh tấn công và giúp cây nhanh phục hồi.
    • Cạo bỏ phần vỏ hư, đem ra khỏi vườn.
    • Lưu ý: Vệ sinh dụng cụ trước khi sử dụng trên mỗi cây,  để tránh lây bệnh chéo
  • Bước 3: Quét thuốc
    • Sử dụng các hoạt chất metalaxyl, dimethomorph, fosetyl aluminium hoặc gốc đồng để quét đẫm lên vết thương (100g /1.5-2L nước). 
    • Sau 1 tuần, lặp lại lần 2 nếu tình trạng nặng
    • Lưu ý: nhà vườn nên thay đổi hoạt chất so với lần 1 

quét thuốc trị xì mủ trên cây sầu riêng

Hình: Cây sầu riêng bị xì mủ trên thân đã được cạo sạch vỏ và quét thuốc trị nấm P. palmivora

  • Bước 4: Xới đất quanh mô, moi rễ và tưới gốc
    • Vì bệnh xì mủ thường bắt đầu từ rễ, sau đó lây nhiễm lên thân, lá và quả. Vì vậy bên cạnh việc phun thuốc và quét thuốc cho thân, lá, nhà vườn cần xử lý vết thương cho rễ.
    • Xới nhẹ lớp đất mặt quanh tán cây. 
    • Quét thuốc cho các rễ lớn. 
    • Tưới thuốc lên trên nền đất đã xới, có thể phối hợp với thuốc quản lý tuyến trùng.
    • Lặp lại lần 2 cho các cây bị bệnh nặng hoặc moi rễ nhiều. 

6. Phục hồi cây sầu riêng bị xì mủ

  • Dinh dưỡng giai đoạn phục hồi sầu riêng bị xì mủ 
    • Lá: phun amino acid, vi lượng
    • Gốc: kích rễ bằng phân bón CytorootCyto Forfarmer . Thường xuyên bổ sung Trichoderma để đối kháng với nấm bệnh Phytopthora. 
  • Tưới nước giai đoạn phục hồi cây sầu riêng bị xì mủ
    • Thoát nước, hạ mực thủy cấp. Thông thường trong khoảng 10 năm đầu thì khoảng 60 - 80cm là được. Sau đó, tùy điều kiện nếu rễ ăn sâu thì mực thủy cấp này có thể giảm sâu hơn.

mực thủy cấp ở vườn sầu riêng

Hình: Mực thủy cấp ở vườn sầu riêng trong 10 năm đầu từ 60-80cm

7. Những lưu ý cần biết

  • Không nên phun phân bón lá chứa đạm giai đoạn cây bị bệnh.
  • Không nên sử dụng phân hóa học khi rễ chưa phục hồi vì rất dễ ngộ độc phân.
  • Sau khi bón hữu cơ 7-10 ngày. Xem xét việc bổ sung NPK 33-11-11 (1-2g/L)

8. Một số thuốc trị bệnh xì mủ trên sầu riêng phổ biến hiện nay

Metalaxyl (metalaxyl M, mefenoxam)  Quản lý nấm phổ rộng Lưu dẫn mạnh Hấp thu qua rễ thân, lá (sử dụng bằng cách tưới, quét, phun) Nhóm III không độc hại với chim, cá và ong Có khả năng hình thành tính kháng, nên luân phiên với hoạt chất khác
Dimethomorph

Quản lý nấm phổ rộng

Ức chế tổng hợp phospholipid, vách tế bào, sự nảy mầm của nấm P. palmivora

Lưu dẫn mạnh Di chuyển hướng ngọn, hấp thu qua rễ thân, lá (sử dụng bằng cách tưới, quét, phun) Nhóm độc IV: độc với cá, không độc với ong

Dùng luân phiên với metalaxyl

Không sử dụng quá 4 lần/mùa

Fosetyl aluminum

Quản lý nấm khuẩn phổ rộng

Có thể sử lý đất vì ngăn chặn sự nảy mầm của bào tử

Lưu dẫn mạnh Di chuyển hướng ngọn, hấp thu qua rễ thân, lá (sử dụng bằng cách tưới, quét, phun) Nhóm độc III: độc với cá, ít độc với ong

Phun trong thế phòng, tăng cường hệ thống bảo vệ tự nhiên của cây

Phosphonate

Hỗn hợp của lân: hấp thu nhanh và lưu dẫn 2 chiều.

Cung cấp lân và kali

Tạo ra ion phosphite diệt nấm

Kích thích hệ miễn dịch, ngăn hình thành bào tử nấm Hấp thu qua rễ thân, lá (sử dụng bằng cách tưới, quét, phun) Nhóm độc IV: thân thiện môi trường

Không kháng thuốc và không lưu tồn.

Phun phòng

Gốc đồng

Tiếp xúc phổ rộng nấm khuẩn.

Bất hoạt men hô hấp => phá vỡ cơ chế hô hấp của nấm, diệt nấm

Không lưu dẫn Không phun trực tiếp lên hoa Nhóm độc III, ít độc với ong, cá và không ảnh hưởng môi trường

Không trộn với fenvalerate, fosetyl aluminum

Phun phòng, quét thân quản lý rong tảo

Mancozeb

Phức chất giữa kẽm và mangan

Tiếp xúc phổ rộng

Không diệt nấm trực tiếp mà thông qua hoạt hóa khi tiếp xúc nước, tác động của tia cực tím => phá vỡ sự nảy mầm của nấm bệnh

Không lưu dẫn

Có thể kết hợp Mancozeb với hoạt chất khác

Ví dụ: mancozeb + metalaxyl/ cymoxanil/ fosetyl aluminum

 

Nhóm độc III, ít độc với cá và ong

Nguy cơ hình thành tính kháng thấp

Phun phòng

 

Xem thêm: Nên lựa chọn giống sầu riêng nào? Đánh giá ưu nhược điểm của 6 giống phổ biến hiện nay

Trên đây là chia sẻ bí quyết trị bệnh xì mủ trên cây sầu riêng. Số liệu trong bài viết chỉ có tính  chất tham khảo. Tùy vào điều kiện canh tác sẽ có chương trình sử dụng bón phân khác nhau. Mọi thắc mắc về kỹ thuật, bà con vui lòng liên hệ hotline 0911 3111 00 để được tư vấn giải pháp phân bón chuyên biệt và miễn phí từ đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm của Funo!